Trong số 167 dự án, các tỉnh Tây Nguyên loại bỏ 117 dự án, với tổng công suất 337,16 MW; các huyện giáp Tây Nguyên loại bỏ 50 dự án, với tổng công suất 280,2 MW.
Lâm Đồng là địa phương kiên quyết loại bỏ các dự án thủy điện nhỏ nhiều nhất, với trên 40 dự án, có tổng công suất 105,5 MW.
Tiếp đến, tỉnh Kon Tum đã loại bỏ 34 dự án, với tổng công suất 113,9 MW và Quảng Nam là địa phương giáp với Tây Nguyên loại 22 dự án, với tổng công suất 142,1 MW.
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện ở Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc về môi trường, xã hội. Cụ thể, đến nay, khu vực Tây Nguyên đã phải chuyển đổi 80.000 ha đất các loại cho thủy điện và có gần 26.000 hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng các công trình thủy điện.
Việc trồng rừng bù lại diện tích rừng bị mất do xây dựng thủy điện còn rất chậm (mới trồng được 757 ha so với 22.770 ha rừng đã chuyển đổi mục đích xây dựng thủy điện), quản lý chất lượng của các dự án thủy điện vừa và nhỏ bị buông lỏng, còn nhiều dự án chậm khắc phục hậu quả về môi trường.
Các dự án thủy điện ở các tỉnh Tây Nguyên, vùng giáp ranh Tây Nguyên cũng chậm tổ chức tái định canh, định cư, còn hàng trăm hộ dân trong các vùng dự án chưa được cấp đủ đất sản xuất, nhiều hạng mục giao thông, công trình phúc lợi chưa bố trí vốn xây dựng gây nhiều khó khăn cho đồng bào các dân tộc…/.
Theo TTXVN, Chinhphu.vn