(kontumtv.vn) –  Một tháng qua, hàng chục nghìn DN đã ‘vỡ mộng’ với những điểm cải cách đột phá của Luật Doanh nghiệp 2014, như được tự ý khắc con dấu, không phải đăng ký ngành nghề… Thực thị luật mới, các phòng đăng ký kinh doanh cũng trở nên lúng túng và quá tải.

Phức tạp hơn, rắc rối hơn

Có mặt ở Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT Hà Nội (Khu đô thị Nam Trung Yên) từ 8h sáng và giờ đã gần 5h chiều, chị Nguyễn Thanh Hương, nhân viên Công ty TNHH Ánh Sáng Tầm Nhìn Mới, vẫn phải kiên nhẫn ngồi chờ đợi.

Chị đang làm thủ tục chuyển địa chỉ kinh doanh từ Quận 12, TP.Hồ Chí Minh đến Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

“Tôi chờ suốt sáng đến cuối buổi, vào hỏi thì chuyên viên nói là chưa thấy hồ sơ kết quả, bảo đợi chiều, vì có thể hồ sơ còn trên bàn “sếp” sắp ký. Đến 4h chiều thì chuyên viên lại bảo, chưa xong, chờ thêm đến 5h chiều”, chị Hương kể.
Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, giấy kinh doanh, mã ngành nghề, con dấu, khắc dấu, thủ tục hành chính, thành lập doanh nghiệp, đăng ký mới,  Luật-doanh-nghiệp, Luật-đầu tư, giấy phép-kinh-doanh, mã-ngành-nghề, con-dấu, khắc-dấu, thủ-tục-hành-chính, thành-
Hàng trăm doanh nghiệp mệt mỏi chờ đợi làm thủ tục đăng ký kinh doanh (ảnh: Phạm Huyền)

Chị Hương lo lắng: “Đi lại lần thứ 3 rồi mà vẫn chưa xong việc. Không biết lát nữa, họ có chấp nhận hồ sơ hợp lệ không hay lại bảo thiếu, trả lại để bổ sung”.

Theo chị Hương, bộ phận tư vấn cho biết chỉ cần kê khai 2 mẫu là thông báo thay đổi địa chỉ kinh doanh và mẫu thay đổi mã số thuế là đủ. Nhưng khi làm thủ tục thực tế thì được trả lời thiếu nhiều giấy tờ.

Chị phải nộp thêm hợp đồng thuê nhà và giấy phép xây dựng của toà nhà thuê làm trụ sở mới của công ty. Sau đó, phòng một cửa lại yêu cầu cung cấp thêm Quyết định của chủ sở hữu công ty về việc thay đổi địa chỉ, bản sao chứng minh thư của giám đốc và toàn bộ hồ sơ gốc của công ty ở địa chỉ cũ.

“Tôi đã nghiên cứu Luật Doanh nghiệp mới, nhớ rõ là không hề cần thêm giấy tờ nào như vậy nhưng thực tế lại khác. Trên trang web của Sở cũng không cập nhật đầy đủ như ở đây yêu cầu”, chị Hương băn khoăn.

Gần 17h chiều, đã gần hết giờ làm việc hành chính, phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội vẫn còn cả trăm người đang ngồi chờ đợi làm thủ tục. Trước đó, tất cả hàng ghế đều kín người ngồi, có những người đi làm thủ tục còn phải đứng, ngồi tạm trên bệ cửa.

Từ 2h30 chiều, khu vực phát số thứ tự đã dựng biển thông báo hết số. Thậm chí, chị Hương kể: “Có hôm 9h tôi có mặt ở đây đã không còn số thứ tự đăng ký làm thủ tục. Điều này làm nhiều người rất bức xúc”.

Anh Bảo, nhân viên công ty Luật An Việt, vừa ghi chép, hoàn thiện nốt chồng hồ sơ của 8 DN làm thủ tục công bố thông tin vừa than phiền: “Số lần làm thủ tục hồ sơ bây giờ nhiều hơn hẳn. Chúng tôi mất thêm thời gian, đi lại nhiều lần”.

Theo anh Bảo, trước đây, DN thành lập mới chỉ cần nộp một hồ sơ cho phòng đăng ký kinh doanh là đủ. Sau 5 ngày, có giấy phép rồi thì làm thủ tục khắc con dấu ở cơ quan công an, nộp lệ phí chờ 4-5 ngày sau là có dấu.

Giờ theo Luật Doanh nghiệp mới, DN mất tới 3 lần nộp 3 hồ sơ. Một là nộp hồ sơ đăng ký thành lập mất 3 ngày, sau đó có giấy phép thì phải nộp hồ sơ công bố thông tin lên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia mất 1 ngày và nộp hồ sơ thông báo mẫu con dấu mất 3 ngày.

Không tính thứ 7, Chủ nhật, nếu tất cả các bộ hồ sơ hợp lệ thì mất 7 ngày sẽ hoàn tất việc khai sinh DN.

Tuy nhiên, thực tế lại không tốt đẹp như mong đợi. “Có nhiều hồ sơ đăng ký DN phải chờ đến 4-5 ngày mới có kết quả vì quá tải.”, anh Bảo cho hay.

Chị Phương, nhân viên Công ty Luật Covi giãi bày: “Thủ tục bây giờ còn phức tạp hơn nhiều. Luật cho phép DN không phải đăng ký ngành nghề, nhưng khi làm thủ tục, chúng tôi vẫn phải kê khai ngành nghề và tự áp mã. Nhiều trường hợp, chúng tôi bị trả lại hồ sơ

vì sai mã ngành, phải làm thủ tục lại từ đầu, tức mất thêm 3 ngày nữa để chờ đợi. Như vậy, chúng tôi mất tới 6 ngày thay vì 5 ngày như trước đấy”.

Anh Bảo nói thêm: “Luật mới chỉ khác một điểm là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không ghi ngành nghề thôi. Còn thủ tục thì chả đơn giản hơn là bao”.

Với thủ tục về con dấu cũng thế, chị Phương ngán ngẩm: “Sau khi gửi thông báo mẫu dấu, chúng tôi vẫn phải chờ 3 ngày nữa để có thông báo xác nhận của Sở thì mới được sử dụng con dấu. Trước đây, cứ đến cơ quan công an một lần là xong việc”.

Oải vì quá tải

Theo ghi nhận của Sở KHĐT Hà Nội, một tháng qua thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới là một tháng quá tải chưa từng thấy.

Kể từ 1/7 đến 24/7, tổng số hồ sơ tiếp nhận đối với thủ tục đăng ký kinh doanh đã là 10.054 lượt, trung bình mỗi ngày có 559 lượt hồ sơ, tăng gấp 2 lần so với quý I. Nếu tính theo số phát thứ tự, có ngày đỉnh điểm, phòng một cửa ở đây phát ra tới 1.600 số thứ tự.

Số hồ sơ giải quyết đúng hạn vẫn chiếm 99%, nhưng số hồ sơ chậm bàn giao trong nội bộ cơ quan đăng ký kinh doanh chiếm tới 67%, tăng 48,5% so với 6 tháng trước.
Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, giấy kinh doanh, mã ngành nghề, con dấu, khắc dấu, thủ tục hành chính, thành lập doanh nghiệp, đăng ký mới,  Luật-doanh-nghiệp, Luật-đầu tư, giấy phép-kinh-doanh, mã-ngành-nghề, con-dấu, khắc-dấu, thủ-tục-hành-chính, thành-
Hồ sơ bị quá tải, nhiều đến mức chồng chất ở hàng lang và nóc các tủ kệ (ảnh: Phạm Huyền)

Bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KHĐT Hà Nội nói: “Có hôm, chúng tôi phải làm đến tận 7h tối mới xong. Tất cả các cán bộ chuyên viên đều làm việc liên tục hết công suất nhưng tình trạng quá tải vẫn diễn ra. Bình thường, giờ làm thủ tục đến 16h là hết, nhưng bây giờ, đến 17h vẫn còn rất nhiều DN chờ đợi. Chúng tôi đều ở lại giải quyết hết thủ tục cho số doanh nghiệp này mới nghỉ”.

Theo bà Tuyến, Luật Doanh nghiệp mới có nhiều thủ tục mới phát sinh thêm. Với mỗi 1 bộ hồ sơ, lượng thao tác công việc tăng lên 40% so với trước đây. Ví dụ như thủ tục công bố thông tin, trước đây đã có quy định nhưng không bắt buộc, giờ Luật bắt buộc DN phải thực hiện. Nhiều thủ tục muốn giải quyết thì phải chia nhỏ thành từng lượt hồ sơ, phải giải quyết thủ tục này mới làm được thủ tục khác.

Chỉ riêng việc phải scan bản thông báo mẫu dấu DN để đăng lên Cổng Thông tin đăng ký DN quốc gia cũng mất rất nhiều thời gian vì cán bộ mất nhiều thao tác, giao diện Cổng còn lỗi, đường truyền kém.

Bà Tuyến cũng thừa nhận rắc rối lớn nhất là ở thủ tục đăng ký ngành nghề và con dấu như DN phản ánh.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là Luật ra đời đã 7 tháng nhưng Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Doanh nghiệp vẫn chưa được ban hành.

“Chúng tôi cũng đã kiến nghị Bộ KHĐT cần sửa đổi một số thủ tục liên quan đến con dấu, khai mã áp ngành nghề để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiêp nhằm rút ngắn thủ tục”, bà Tuyến nói.

Phạm Huyền/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *