(kontumtv.vn) – Khi môi trường kinh doanh thuận lợi, chính quyền phục vụ tốt doanh nghiệp thì mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp mới thành hiện thực.

Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và chính quyền phục vụ cộng đồng doanh nghiệp là nội dung Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại lễ ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp của VCCI và 32 tỉnh thành, Nam, Trung bộ ngày 24/8 tại TP HCM.

Trong 6 tháng qua, cả nước có hơn  54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn gần 430.000 tỷ đồng, tăng 20% về số lượng doanh nghiệp, tăng 51% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế và môi trường kinh doanh.

muc tieu 1 trieu doanh nghiep: moi truong kinh doanh phai thuan loi hinh 0
Cần có chương trình hành động cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)

Từ kết quả này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Các địa phương phải tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh với tinh thần chính quyền phục vụ cộng đồng doanh nghiệp. Các địa phương phải lập website và đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Đồng thời, các tỉnh, thành xây dựng bộ chỉ số doanh nghiệp tỉnh, địa phương và các dịch vụ hỗ trợ. Các hiệp hội doanh nghiệp nêu cao vai trò tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và có những phản hồi về các chính sách. Các tỉnh, thành phải thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn.

“Tập trung để  phát triển và tháo gỡ các nút thắt của các loại thị trường, nhất là các yếu tố đầu vào của sản xuất. Nền kinh tế thị trường hiện đại có 5 thút thắt cần phải giải quyết, đó là thị trường hàng hóa, dịch vụ tiền tệ, khoa học công nghiệp, bất động sản và thị trường lao động”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Qua lễ ký kết này, các địa phương phải có chương trình hành động cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp để đến năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp.

Tại lễ ký kết, TP HCM đăng ký đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp. Đồng Nai có 32.000 doanh nghiệp và TP Đà Nẵng có 31.000 doanh nghiệp. Tại ĐBSCL, Đồng Tháp là tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá cao về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận cho doanh nghiệp. Thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 7 ngày nay chỉ còn 3 ngày.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua việc ký kết, Đồng Tháp có lộ  trình rất rõ với VCCI, từ năm 2016 – 2020 sẽ cắt giảm thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành thực lộ trình.

Hiệp hội doanh nghiệp một số tỉnh, thành cũng đề nghị, để chủ trương 1 triệu doanh nghiệp trở thành hiện thực, các tỉnh, thành phải xác định là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong sự phát triển doanh nghiệp và xem thành công, thất bại của doanh nghiệp cũng có trách nhiệm của mình.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM kiến nghị, yếu tố con người là hết sức quan trọng. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được cần phải có những người lãnh đạo giỏi. “500.000 doanh nghiệp thì 500 CEO đó đang ở đâu? Trường nào, viện nào đào tạo? Không có con người giỏi thì có đến 1 triệu doanh nghiệp nữa cũng sẽ vẫn teo top không thể lớn nổi, mất vốn ảnh hưởng đến tài chính, ngân sách…”, ông Minh chỉ rõ.

Hy vọng rằng, với quyết tâm của Chính phủ và sự chủ động, tích cực của các tỉnh, thành trong việc triển khai các chương trình hành động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp…Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập./.

Lệ Hằng – Xuân Ngà/VOV-TP HCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *