(kontumtv.vn) – Các chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 nhận định, năm nay không thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô qúy II/2016 diễn ra chiều 14/7 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên Kinh tế & Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia cho biết, mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay là không thể đạt được.

muc tieu tang truong 6,7% nam 2016 - nhiem vu bat kha thi hinh 0
Các chuyên gia kinh tế tại buổi Tọa đàm

Mối lo tăng trưởng thấp

VEPR đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 6,2%. Tuy nhiên sang quý này, báo cáo của VEPR hạ dự báo tăng trưởng còn 6%, thậm chí thấp hơn.

“Tăng trưởng quý II ở mức 5,52% là thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Quý I chúng tôi đã biết là thấp nhưng chúng tôi vẫn hy vọng quý II này có bật lại, từ đó hy vọng là quý II sẽ là định hình tăng trưởng cho cả năm. Nhưng nay, chúng tôi rất buồn là mức tăng trưởng của quý II cũng chỉ 5,52% thôi và như vậy định hình tăng trưởng năm nay sẽ thấp. Tôi nghĩ tăng trưởng năm nay 6% là khá rồi”, ông Thành dự báo.

Tăng trưởng công nghiệp chỉ ở mức thấp 7,09%, tăng trưởng công nghiệp chỉ 6,82%, tăng trưởng khu vực khai khoáng cũng giảm mạnh… Trong khi thu ngân sách giảm thì chi tiêu vẫn tăng. Bên cạnh đó, lạm phát đang đi lên dù chưa đáng lo ngại nhưng nếu để “tuột”, khiến người dân lo ngại thì rất khó hồi phục.

“Điểm sáng là vốn FDI vào Việt Nam tăng do viễn cảnh TPP, Hiệp định Việt Nam-EU… sắp tới nên vốn thực hiện tăng tương đối tốt thời gian gần đây. Vốn đăng ý mới cũng tăng. Đây là điểm tích cực đáng kể và ảnh hưởng tới tăng trưởng trong trung và dài hạn”, TS. Thành cho hay.

Không mấy lạc quan về bức tranh tăng trưởng kinh tế từ nay tới cuối năm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho hay, trong 6 tháng tới nếu kêu gọi đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng thì những thành quả từ câu chuyện tái cơ cấu trong mấy năm qua nhằm hỗ trợ tăng trưởng là “đổ xuống sông xuống biển”.

Về dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, hướng xuất khẩu hiện đã “hết cửa”. Nếu tăng mạnh khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô như năm ngoái cũng khó có thể đạt được tăng trưởng 6,7% do năm nay cả giá và lượng dầu đều giảm. Còn nếu dựa vào nông nghiệp thì 6 tháng nay nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18%, trong đó đóng góp lớn nhất trồng trọt thì âm tới 0,78%.

Có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ

Báo cáo của VEPR cho thấy,  hai quý đầu năm, nhu cầu huy động tăng cao, đẩy tăng trưởng huy động lên mức 8,23% so với cuối năm 2015. Đặc biệt, khối lượng tiền tệ tăng đáng kể 6 tháng đầu năm nay. Cung tiền tăng 8,07% so với cuối năm 2015, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết, hoạt động trên thị trường mở (OMO) và kênh tín phiếu diễn ra khá sôi nổi trong quý II. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bơm ròng khoảng 32.000 tỷ đồng qua kênh OMO và 25.700 tỷ đồng qua kênh tín phiếu ra ngoài thị trường.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 6,2%, tương đương so với cùng kỳ năm 2015. Chênh lệch huy động – tín dụng vẫn còn, dù đã giảm so với mức trung bình 3,5% trong năm 2015.

Về lạm phát, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, nguy cơ  lạm phát tăng trở lại vẫn còn rất lớn do giá dầu và hàng hóa cơ bản khác đã thoát khỏi đáy và đang trong xu hướng tăng trở lại. Đáng nói, dù lạm phát có nguy cơ tăng lên nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng không thể đạt được mục tiêu đề ra (6,7%) mà chỉ có thể đạt khoảng 6%.

TS. Thành cảnh báo, Chính phủ nên thắt chặt bớt chính sách tiền tệ và tài khóa để tránh gây áp lực lên lạm phát, từ đó tạo mầm mống bất ổn.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm xấu như vậy, bên cạnh yếu tố khách quan thì vấn đề chủ quan, mà trọng tâm là chi tiêu ngân sách là yếu tố cơ bản.

“Bội chi liên quan điều hành về tài chính ngân sách, mấy năm nay chưa bao giờ căng thẳng như vậy, đó là lý do cần nhấn mạnh. Bối cảnh như vậy đầu tư không tăng, nợ vẫn thế, nợ công tăng, thanh toán được ít. Đây là lý do quan trọng cho tăng trưởng, chứa đựng nguy cơ đưa dần vào tình trạng bất ổn định” – TS. Hồ lo ngại./.

 

Trần Ngọc/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *