(kontumtv.vn) – Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban nhiệm vụ công tác tháng 7 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm của Bộ Giao thông vận tải diễn ra ngày 29/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị cần phải nâng cao việc bảo mật thông tin, duy trì ổn định hệ thống đăng ký “luồng xanh” vận tải hàng hóa thiết yếu.

Chú thích ảnh
Phương tiện chở hàng thiết yếu sẽ được kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi qua chốt. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đảm nhận khâu trung gian giữa sản xuất và phân phối trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung đưa ra các giải pháp, cung cấp đường dây nóng. Từ đó, kịp thời phối hợp với các địa phương giải quyết bất cập về giao thông, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, duy trì đời sống sản xuất. Nổi bật là giải pháp cấp thẻ ưu tiên “luồng xanh” mã QR Code cho phương tiện chở hàng thiết yếu qua “luồng xanh” quốc gia.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, có thời điểm, hệ thống đăng ký thẻ ưu tiên “luồng xanh” bị xâm nhập, tấn công đòi hỏi Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải phối hợp với các đơn vị, các tập đoàn công nghệ lớn để duy trì phần mềm, bảo mật thông tin, ổn định quá trình đăng ký, cấp thẻ ưu tiên lưu thông hàng hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng tốc triển khai các dự án giao thông cấp bách. Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công 14 dự án giao thông cấp bách; trong số này có 10 dự án đường bộ, 4 dự án đường sắt cố gắng hoàn thành dự án trong năm 2021 để không bỏ lỡ kế hoạch vốn.

Theo đó, chú trọng rà soát quá trình triển khai gặp phải những vướng mắc, khó khăn nào để báo cáo Bộ Giao thông vận tải để Bộ kịp thời có ý kiến với các địa phương.

Đối với 11 dự án trọng điểm quốc gia được chuyển tiếp từ năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các Ban quản lý dự án phải tăng cường trao đổi với địa phương để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại.

Ngoài ra, hai dự án đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ cũng phải thúc đẩy nhanh.  Lãnh đạo các Ban quản lý dự án phải sát sao hiện trường để đảm bảo hiệu quả giải ngân và tiến độ dự án.

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), 10 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách (tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng) gồm: Dự án tuyến nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; dự án nâng cấp Quốc lộ 4 đoạn nối Hà Giang – Lào Cai; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa – cửa khẩu Pò Mã, tỉnh Bắc Kạn;  Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 53; dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24; dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25 (trừ dự án thành phần 2); dự án đầu tư Quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương.

Trước đó, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) thông tin, tháng 7/2021 dự kiến Bộ Giao thông vận tải vốn giải ngân được 2.078 tỷ đồng và lũy kế 7 tháng đầu năm, dự kiến giải ngân 19.093 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và đạt 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Giao thông vận tải là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước, trong khi đó theo ước tính của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành trung ương đến hết tháng 7/2021 là 28,6%.

Quang Toàn (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *