(kontumtv.vn) – Trước bối cảnh dịch bệnh và tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, nền kinh tế Việt Nam cần phát huy yếu tố nội lực, tự chủ, tự cường để tạo đà cho phục hồi và phát triển.

Nang cao nang luc noi sinh tao da phuc hoi kinh te trong hoi nhap hinh anh 1
(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

Trong bối cảnh đất nước đang từng bước thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19, tình hình chính trị và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường tạo ra những thách thức lớn đòi hỏi phải nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế, từ đó thích ứng với các biến động và các cú sốc bên ngoài.

Đây là nội dung được các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm “Tự lực, tự cường – tạo đà phục hồi kinh tế xã hội và phát triển trong hội nhập,” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, ngày 23/3.

Cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, cho rằng lực tự, cường là tiền đề quan trọng đầu tiên của các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhấn mạnh quá trình hội nhập vào chuỗi cung ứng không chỉ có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài mà cần có sự kết nối của các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng phải xác định được tâm thế cạnh tranh sòng phẳng.

Theo ông Huấn, cạnh tranh không phải là đối đầu, đua tranh, triệt hạ lẫn nhau, mà chuyển sang cạnh tranh dẫn đầu, tận dụng các lợi thế cốt lõi để từ đó tạo ra mô hình hợp tác giữa các bên cùng có lợi, phù hợp với chiến lược toàn phát triển cầu hóa.

“Doanh nghiệp muốn tự lực, tự cường phải xây dựng giá trị cốt lõi, nắm bắt lợi thế cạnh tranh để từ đó có những quyết sách trong hợp tác, liên doanh với các đối tác trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, cái nhìn về cạnh tranh sẽ thoảng đạt hơn, không còn đóng trong một khuôn khổ, một quốc gia mà là sự đóng góp vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế,” ông Huấn nói.

Bà Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Đó là việc khu vực doanh nghiệp trong nước chưa thực sự phát triển mạnh, còn lệ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài về thương mại và đầu tư, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình…

Do đó, bà cho rằng doanh nghiệp nội cũng cần chú trọng thay đổi đổi mới mô hình tăng trưởng và quản trị nền kinh tế trước vấn đề phụ thuộc và cạnh tranh từ bên ngoài.

Chính quyền cơ sở phải là ‘bà đỡ’

Ngoài những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, ông Thái nhấn mạnh các yếu tố tự lực, tự cường phải đến từ các địa phương và đặc biệt là của Chính phủ. Theo ông Thái, các nguồn lực hiện đang còn bị phân tán giữa các tỉnh, chưa có sự trọng điểm về quy hoạch và phối hợp cũng như việc hoạch định phát triển kinh tế tư nhân, đảm bảo không chồng chéo lên nhau trong các lĩnh vực, ngành nghề để tạo nên các sản phẩm mang tính chất chủ lực đồng thời có tính cạnh tranh toàn cầu.

“Việt Nam đang có 17 hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp Việt Nam không còn bỏ hẹp trong thị trường 100 triệu dân mà phải phát triển, nâng cao sức cạnh tranh trong một thế giới với hàng tỷ dân. Vì vậy, sự vào cuộc của Chính phủ sẽ như một ‘bà đỡ’ cộng với sự tự lực, tự cường của khu vực doanh nghiệp tư nhân để có thể phát triển và vươn ra thị trường lớn,” ông Thái kiến nghị.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của địa phương luôn gắn với tự lực, tự cường với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Trong hai năm 2020 và 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Khánh Hòa mặc dù giảm sâu nhưng thu ngân sách và công tác hỗ trợ an sinh xã hội, cộng đồng doanh nghiệp vẫn được đảm bảo. Chính vì vậy, ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh, địa phương đã xây dựng kế hoạch để phục hồi phát triển kinh tế, quyết tâm trong năm 2022 sẽ tăng trưởng 7,1%.

Ngay trong quý 1, tăng trưởng kinh tế của Khánh Hòa được dự báo có sự bứt phá ấn tượng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12%, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gần 5%, trong đó các ngành dịch vụ du lịch, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng cao.

Ông Tuân chia sẻ Khánh Hòa tiếp tục huy động, phân bổ và quản lý hiệu quả các nguồn lực tài chính và cân đối ngân sách, để chủ động thực hiện các chính sách một của Chính phủ (như miễn giảm thuế, hỗ trợ đầu tư). Trên bình diện đó, các doanh nghiệp lớn trong địa phương vẫn thu và nộp ngân sách đảm bảo cũng như công tác chăm lo sức khỏe cho người lao động.

“Tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền nhanh chóng giải quyết các thủ tục đầu tư, giải quyết các tồn đọng vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh các dự án chậm đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo khoa học, công nghệ và thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Tỉnh đã ký với các tập đoàn mạnh về công nghệ thông tin (như FPT, VNPT, Viettel), sẵn sàng xây dựng một chương trình kinh tế số, phát triển-khôi phục các ngành kinh tế sau đại dịch,” ông Tuân nói.

Với giải pháp tương đồng với Khánh Hòa, Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, cho biết các biện pháp triển kinh tế trên địa bàn các địa phương đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, theo đó các chính sách hỗ trợ phải đến từng đối tượng công bằng, công khai, minh bạch, tránh tiêu cực và tham nhũng.

Là địa phương bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh, do đó công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng và bao phủ vaccine được Bình Dương chú trọng hàng đầu. Tỉnh định hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công trong năm 2022, theo đó sẽ quyết tâm tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc (đặc biệt là giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian đầu tư).

“Về hỗ trợ các doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành gặp gỡ các hiệp hội đầu tư và nhà đầu tư, ghi nhận những khó khăn để từ đó tạo điều kiện tiếp cận tối đa các chính sách của Chính phủ cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tạo điều kiện tối đa về tín dụng (tiếp cận nguồn vốn rẻ)…,” ông Dành nói./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *