(kontumtv.vn) – Tiếp tục triển khai các mô hình đồng hành cùng hộ người dân tộc thiểu số trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Ngọc Hồi đã triển khai thí điểm mô hình nuôi ngan đen. Bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, tạo động lực để người dân tiếp tục đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Ông Đoàn Thanh Nhã, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Hồi cho biết, mô hình nuôi ngan đen được huyện triển khai thí điểm có quy mô 500 con, với 10 hộ người dân tộc thiểu số tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 50 con ngan. Sau gần 3 tháng triển khai, tỷ lệ ngan sống đạt 100%, trọng lượng khoảng 3,5- 4 kg/con khi xuất bán. Với giá bán trên thị trường hiện nay dao động từ 60- 70 ngàn đồng/kg, mỗi hộ có nguồn thu lợi đáng kể từ 2- 3 triệu đồng/50 con ngan sau khi trừ chi phí. Hiệu quả bước đầu của mô hình đã giúp người dân có thêm thu nhập và mở ra hướng chăn nuôi an toàn, bền vững.  “Về hiệu quả của mô hình thì trừ hết chi phí và chăn nuôi đối với nông hộ hiện nay trong thời gian khoảng 3 tháng, trừ chi phí đi thì số tiền thu lời từ 50 con được khoảng từ 2- 3 triệu đồng với thời điểm giá như hiện nay. Nếu ở thời điẻm giá cao mà bán lẻ tại địa phương thì có thể còn cao hơn. Như vậy là mô hình phù hợp và có hiệu quả kinh tế, các hộ chỉ cần tận dụng thời gian, chăn nuôi với quy mô phù hợp thì sẽ có tăng thêm thu nhập cho gia đình”, ông Nhã cho hay.

Là một trong 10 hộ người tộc thiểu số được chọn tham gia mô hình, anh Bloong Toàn ở thôn Nông Kon, xã Đăk Dục được hỗ trợ 50 con ngan giống. Được hướng dẫn làm chuồng trại, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng vắcxin và quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho gia cầm, sau gần 3 tháng nuôi, anh Toàn rất phấn khởi bởi đàn ngan phát triển tốt, cho nguồn thu đáng kể. Anh Toàn nói: “Hồi trước tôi chăn nuôi không có ai hướng dẫn, cũng tự nuôi nên ngan không to. Nay được xã hướng dẫn, ngành nông nghiệp hướng dẫn cách chăm sóc ngan thì ngan cũng to hơn ngày xưa tôi tự nuôi và càng ngày càng to hơn nữa”.

Chị Xiêng Thị Túy ở thôn Dục Nhầy, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết thêm:

“Mô hình này rất thiết thực với bà con, bản thân tôi cũng muốn đề xuất bên khuyến nông, nông nghiệp huyện tiếp tục nhân rộng mô hình như thế này. Không chỉ là mô hình nuôi ngan mà còn có các mô hình khác như cây, con giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa bàn, để thay đổi nếp nghĩ cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bà Y Tý, Chủ tịch Hội nông dân xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết, qua triển khai cho thấy mô hình nuôi ngan đen tương đối phù hợp với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình tại vùng dân tộc thiểu số. Với quy trình kỹ thuật chăn nuôi không quá khó, người dân có thể tận dụng thời gian nông nhàn, lợi thế về thức ăn sẵn có tại địa phương nên giảm được chi phí đầu tư để tăng thu nhập.  “Qua mô hình này thì sẽ tuyên truyền cho các hộ khác để phát triển mô hình và không chỉ có mô hình nuôi ngan thịt mà còn có các mô hình khác để phát triển kinh tế của các hộ nông dân, đặc biệt là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để họ có sự thay đổi, nhất là trong thời buổi hiện nay thì cần phải có kinh tế thì mới đảm bảo được cuộc sống”, bà Y Tý nói.

Với những hiệu quả bước đầu từ mô hình, huyện Ngọc Hồi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các hộ vùng dân tộc thiểu số triển khai thực hiện. Từ đó, từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế gia đình ngày càng ổn định, bền vững./.

Thu Trang

Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Ngọc Hồi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *