(kontumtv.vn) – Theo Ngân hàng Thế giới, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,3% chỉ là kịch bản cơ bản, xấu hơn nữa kịch bản dự báo có thể chỉ còn 4,4%.

Ngan hang the gioi du bao tang truong kinh te Viet Nam dat 5,3% hinh anh 1
Dây chuyền sản xuất sản phẩm thiết bị đầu cuối. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sáng 5/4, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức họp báo trực tuyến ra mắt Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4/2022 với chủ đề “Đương đầu bão tố.”

Báo cáo phân tích bối cảnh kinh tế đến thời điểm này và trình bày triển vọng năm 2022 đối với toàn khu vực và từng quốc gia. Riêng đối với Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, ông Aaditya Mattoo nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà WB đã phải điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu dự báo về tăng trưởng.

Ông Aaditya Mattoo cho biết mặc dù tháng 10/2021, WB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trong năm 2022 là 6,5% nhưng đến nay WB dự báo chỉ còn 5,3%. Tuy nhiên, đó chỉ là kịch bản cơ bản, xấu hơn nữa kịch bản dự báo có thể chỉ còn 4,4%.

Lý do WB điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua là bởi vì những khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đối phó với biến chủng Omicron, dẫn tới số lượng các ca nhiễm mới tăng rất cao.

Thêm nữa, Việt Nam cũng chịu tác động lớn bởi việc nhập khẩu dầu với giá trị lên tới 3% GDP.

Đó là chưa kể tới việc nhập khẩu các loại nguyên vật liệu khác như sắt, thép….bị ảnh hưởng lớn khi giá nhập khẩu trở nên đắt hơn; chi phí giá cả tăng cao hơn dẫn tới Việt Nam trở thành một trong những nước thành công trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặc dù Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những quốc gia dành được nhiều lợi thế nhất, tận dụng được nhiều nhất các cơ hội để mở rộng thương mại toàn cầu, song chính điều đó lại khiến cho Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải thành công hơn nữa trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cũng khuyến nghị Việt Nam cũng phải thận trọng hơn khi xem xét hệ thống tài chính. Thực tế, các biện pháp tài chính ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra phải được nghiên cứu kỹ.

Các biện pháp, chính sách của Việt Nam cho đến nay đã giúp Việt Nam có thể đi xa hơn và cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu vào lúc này phải cao hơn.

Bình luận về quan ngại những bất ổn trên toàn cầu hiện nay tác động tới các dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam và giải pháp thu hút đầu tư quốc tế để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội từ 6-6,5% trong năm nay, ông Aaditya Mattoo cho rằng, Việt Nam là mô hình của một quốc gia rất thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài suốt nhiều năm qua và đã rất thành công trong việc cải thiện vị trí, vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Điều này giúp cho Việt Nam đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng tốt và giảm tỷ lệ nghèo đói xuống mức thấp so với những năm trước. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung tìm ra các biện pháp có thể phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tạo thêm động lực tốt cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ lẫn khu vực sản xuất kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.

WB cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương có thể chỉ đạt 5% trong năm 2022, tức là giảm 0,4% so với dự báo hồi tháng 10/2021.

Nếu tình hình toàn cầu xấu đi và các quốc gia có các chính sách ứng phó yếu, tăng trưởng có thể giảm thấp hơn, xuống chỉ còn 4%. Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5% theo kịch bản cơ sở và 4% theo kịch bản xấu.

Các quốc gia còn lại trong khu vực được dự báo tăng trưởng 4,8% theo kịch bản cơ sở và 4,2% theo kịch bản xấu. Quan trọng hơn, theo kịch bản xấu mà WB dự đoán, có thể sẽ có thêm 6 triệu người trong khu vực tiếp tục bị kẹt dưới ngưỡng nghèo ở mức 5,5 USD/ngày trong năm 2022.

Báo cáo ghi nhận chiến sự tại Ukraine đang đe dọa tiến trình phục hồi không đồng bộ tại các quốc gia đang phát triển tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sau cú sốc của dịch bệnh.

Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho hay, nền tảng căn bản vững chắc và chính sách lành mạnh có thể giúp các quốc gia và toàn khu vực chống chọi với những cơn bão này.

Dù những quốc gia sản xuất hàng hóa hoặc có chính sách tài khóa thận trọng có thể được trang bị tốt hơn để đương đầu với các cú sốc nhưng cũng vẫn phải chịu những tác động dội ngược làm cho triển vọng tăng trưởng ở hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Đông Á-Thái Bình Dương trở nên xấu đi./.

Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *