(kontumtv.vn) – Việc làm này giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, người tiêu dùng an tâm sử dụng thực phẩm, gia cầm.

 

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn và sản phẩm gia cầm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giúp người dân an tâm sử dụng các sản phẩm từ chăn nuôi, vực dậy ngành chăn nuôi trong nước.

Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù trên địa bàn chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, nhưng thông tin về dịch cúm đang “dìm” giá gà xuống thấp. Nông dân không dám tái đàn do lỗ nặng.

“Chi phí cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, trong khi đó đầu ra lại quá khó khăn. Với giá thành từ mức 30.000 – 32.000 đồng/kg gia cầm nhưng hiện nay chỉ còn 24.000 – 25.000 đồng/kg nhưng rất khó tiêu thụ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người chăn nuôi và nông dân”, ông Chiến cho biết.

Ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm khiến người chăn nuôi gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Cũng như 10 năm trước, khi thị trường ngưng trệ, người chăn nuôi là đối tượng bị tổn thất nặng nhất. Họ một mặt vừa lo đối phó với dịch bệnh lây lan, mặt khác phải tìm thương lái để bán hết đàn gia cầm nên dễ bị tư thương ép giá.

Bà Nguyễn Thị Hiền, một trong những đại lý chuyên cung cấp gà đồi Yên Thế tại Hà Nội cho biết, trước thông tin nói về dịch cúm gia cầm H7N9 của Trung Quốc có thể xâm nhập thị trường Việt Nam đã khiến người dân quay lưng với gia cầm. Trong thời điểm hiện nay, có những trang trại lỗ mấy chục tỷ đồng, nhiều người chăn nuôi bỏ chuồng thua lỗ quá lớn.

Đứng trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra và chấn chỉnh công tác chống dịch tại các địa phương. Đồng thời chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch để chủ động đối phó, kiểm soát gia cầm nhập lậu tại các tỉnh khu vực biên giới.

Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng việc tiêu thụ gia cầm, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học và tạo các kênh kết nối người sản xuất với thị trường để người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm gia cầm an toàn, tránh thổi phồng thông tin dịch bệnh gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, hiện nay tình hình tiêu thụ gia cầm vẫn diễn ra bình thường, kể cả ở những địa phương đã công bố dịch, nếu những trang trại chăn nuôi an toàn, cơ quan chức năng vẫn cho phép vận chuyển, tiêu thụ.

“Việc chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và sản phẩm gia cầm an toàn đã được Bộ NN&PTNT giao cho Cục Thú y triển khai. Trong quá khứ, như năm 2008 tại tỉnh Thanh Hóa, mặc dù dịch lợn tai xanh bùng phát và số lượng gia súc phải tiêu hủy nhiều, nhưng vẫn có những trang trại chăn nuôi an toàn cơ quan quản lý vẫn cho vận chuyển tiêu thụ ở địa phương khác”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.

Trong bối cảnh hiện nay, các ngành chức năng cần nhanh chóng kiểm tra và cấp chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn, sản phẩm chăn nuôi đảm bảo chất lượng, giúp người dân an tâm khi sử dụng các sản phẩm chế biến từ gia cầm, giúp người chăn nuôi khôi phục sản xuất./.

Minh Long/VOV – Trung tâm tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *