(kontumtv.vn) – Cùng với giá xăng dầu, giá gas tăng, thời gian qua, nhiều loại thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng cũng tăng giá khiến người dân gặp khó trong sinh hoạt, chi tiêu hằng ngày, nhất là những người lao động nghèo có mức thu nhập thấp.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Thúy ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum hiện đang canh tác khoảng 800 m2 rau xanh. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình bà. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, gia đình bà hầu như không có lợi nhuận từ việc sản xuất rau bởi giá phân bón liên tục tăng cao. Thu nhập bị giảm mạnh, cùng với việc giá các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng tăng cao liên tục trong thời gian qua đã làm cuộc sống của gia đình bà rất chật vật. Bà Thúy cho biết, hiện tại gia đình bà phải tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu mới đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày: “Gas lúc trước 1 bình có 300.000 đồng – 320.000 đồng, nhưng mà bữa nay lên tới 450.000 đồng, rồi phân bón các thứ, nói chung là cái gì nó cũng lên. Trước kia mình chi tiêu khoảng 3.000.000 đồng – 4.000.000 đồng/tháng nhưng mà giờ hơn rất nhiều, thành ra là nó thiếu thốn, chật vật”.

Hiện tại, giá phân Ure đã tăng lên gần 1.000.000 đồng/bao loại 50 kg, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020; giá phân hữu cơ cũng tăng từ 40.000 đồng/bao lên 70.000 đồng/bao. Đây đều là những loại phân bón cần thiết để sản xuất, canh tác rau. Bà Phùng Thị Tuyết Anh là hộ trồng rau ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum cho biết, với giá phân bón hiện tại, trung bình mỗi sào rau, gia đình bà phải chi thêm khoảng 600.000 đồng tiền phân bón. Tuy nhiên với giá rau mà các thương lái thu mua hiện tại, vườn rau của gia đình bà dù có được mùa cũng khó có lợi nhuận: “Trước kia phân bón chỉ có 7.000 đồng – 9.000 đồng/kg thì hiện tại đã lên 22.000 đồng/kg. Giá rau thì vẫn như vậy, ngày xưa bán một bó rau thì cũng 3.000 đồng thì hiện bó rau cũng 3.000 đồng, cho nên những người làm vườn như tôi thua lỗ, nhưng mà cũng mà cũng không biết có cái giải pháp nào để khắc phục, hỗ trợ những người làm rau như gia đình tôi”, bà Tuyết nói.

Không chỉ riêng giá phân bón tăng cao, hiện tại các loại thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng tại Kon Tum cũng tăng giá. Mặt hàng rau củ quả tăng từ 3.000 đồng – 5.000 đồng/kg; dầu ăn tăng từ 70.000 đồng – 80.000 đồng/thùng; mì tôm tăng 5.000 đồng/thùng…. Lý giải nguyên nhân các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, chị Trần Thị Thu Hồng, chủ cửa hàng tạp hóa Thu Hồng ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum cho biết, hầu hết các mặt hàng tăng giá là do giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển, giá nhập hàng tăng theo. Chính vì vậy, khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng bị cộng thêm các chi phí, lợi nhuận đi kèm: “Từ khi mà xăng dầu lên cửa hàng tôi nhập các mặt hàng về thực phẩm tiêu dùng thì như bột ngọt, dầu ăn, nước mắm, mì tôm đều tăng, các mặt hàng tiêu dùng về đồ ăn như nước mắm… là lên cao nhất, 1 chai 1 lít thì lên 5.000 đồng, 1 thùng thì lên 50.000 đồng – 60.000 đồng, mì tôm cũng lên 5.000 đồng/thùng, nước ngọt cũng lên mười mấy ngàn trên 1 thùng…”, chị Hồng cho hay.

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 7 lần tăng giá xăng, lên mức gần 30.000 đồng/lít. Thu nhập vẫn giữ nguyên, trong khi đó mỗi lần giá xăng tăng thì lương thực, thực phẩm và các loại hàng hóa khác cũng tăng theo. Hạn chế đi lại, tiết kiệm những khoản chi không cần thiết… là cách để người dân thắt chặt chi tiêu, đảm bảo mức sống hằng ngày./.

Đăng Huy – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *