(kontumtv.vn) –  Nhiều năm nay, người dân xã Đăk Nên, huyện Kon Plông luôn trăn trở với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao thu nhập?”. Tuy nhiên, do việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên câu chuyện giảm nghèo ở địa phương này vẫn là bài toán khó. Và giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để giảm nghèo là một trong những mục tiêu trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền xã đặt ra trong giai đoạn 2020  – 2025.

Trước đây, cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn Tu Ret, ông Đinh Văn Chi chăn nuôi bò theo cách truyền thống thả rông trong rừng. Sau nhiều năm, đàn bò của ông giảm dần do dịch bệnh, thất lạc. Nhận thấy cách chăn nuôi này không hiệu quả, ông đã mày mò làm chuồng trại, nuôi nhốt bò trong vườn của gia đình. Năm 2019, ông tiếp tục vay thêm nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng Chính sách Xã hội, mua thêm 10 con bò giống, máy cắt cỏ, chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Chỉ sau 3 năm đàn bò của ông đã phát triển lên 17 con. Ông Đinh Văn Chi chia sẻ: “Mình mua bò giống, nó đẻ con, mình bán lấy tiền cho con đi học. Thấy mấy người nuôi ở dưới đồng bằng, mình thích nuôi. Thả như trước, không có ai chăm sóc, con bò nó đi bậy bạ nó chết.”

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bán công nghiệp của gia đình ông Đinh Văn Chi đã khiến người dân trong thôn Tu Rét thay đổi cách nghĩ. Nhiều hộ đã học cách làm chuồng trại, nuôi nhốt bò. Trên cơ sở đó, ban quản lý thôn cũng xây dựng hương ước, quy ước, khuyến khích người dân không chăn nuôi thả rông. Ông A Hrum, Trưởng thôn Tu Rét cho biết: “Trước đây bà con cứ nuôi theo truyền thống của bà con người địa phương tại đây, không áp dụng theo kỹ thuật, cứ thả, ai có bao nhiêu cứ thả bấy nhiêu thôi. Xảy ra dịch bệnh, không quản lý được số con bò của mình, số thì mất, số thì chết. Chúng tôi kết hợp với già làng, cho tất cả 88 hộ ký cam kết hết, nếu hộ nào vi phạm, bò ăn lúa, ăn bắp, ăn mì, phá hoại cây lúa của người khác thì cứ theo hương ước, quy ước phạt.

Năm 2020, nhận thấy tiềm năng từ việc nuôi heo sọc dưa, anh Đinh Bôn ở thôn Tu Rét, xã Đăk Nên đã sử dụng số tiền tiết kiệm và vay thêm vốn ưu đãi để xây dựng chuồng trại, nuôi heo giống. Sau hơn 1 năm, đàn heo của anh đã phát triển như thế này. Với những kết quả đạt được, anh dự kiến tiếp tục mua thêm con giống để phát triển đàn heo. Cùng với những chuyển biến trong chăn nuôi, người dân tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông đã lựa chọn những cây trồng có giá trị kinh tế đưa vào canh tác. Sau quá trình thử nghiệm, người dân tại các thôn đã tập trung phát triển diện tích cây keo và cây cau. Tính đến thời điểm hiện tại, xã có gần 530 ha cau và trên 110 ha keo. Ngoài ra, thực hiện mục tiêu phát triển dược liệu, đa dạng các loại cây trồng, trong năm 2020, người dân tại các thôn của xã đã trồng thí điểm hơn 50 ha quế. Theo ông A Khun, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tu Thôn, đời sống của người dân  nơi đây thay đổi rất rõ rệt. Kinh tế ổn định, đời sống gia đình êm ấm, con cái được học hành, nhà cửa cũng khang trang so với trước kia.

Ông Ka Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết thêm: “Đảng bộ xã đã đưa ra những mục tiêu về phát triển kinh tế, từ những Nghị quyết đó, xã đã đưa ra những chương trình, kế hoạch hành động, các chỉ tiêu cụ thể tới các thôn để phát triển kinh tế xã hội tại các thôn. Và các thôn đã được họp, đã được tuyên truyền thực hiện. Một số thôn đã có nét khởi sắc như mô hình nuôi heo, mô hình trồng keo. Ý thức của người dân đã được nâng cao, được như thế là thêm sự nỗ lực của người dân.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chính quyền địa phương xã Đăk Nên còn vận động người dân cải tạo vườn cây theo hướng đa canh. Theo đó, 1 số hộ dân đã trồng xen canh cây mì, chuối dưới tán cau, nhờ đó tăng thêm thu nhập. Với những nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, hiện xã Đăk Nên đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, số hộ nghèo giảm còn gần 20%./.

Linh Thủy – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *