(kontumtv.vn) – Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, vận động và thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, người dân tộc thiểu số ở huyện Sa Thầy đã tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Để tăng thu nhập cho gia đình, anh A Droi ở làng Bar Gốc, xã Sa Sơn đầu tư nuôi bò sinh sản. Khi được địa phương vận động, hướng dẫn, gia đình quyết định chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng để việc chăm sóc tốt hơn, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.  Anh A Droi cho hay: “Nếu mình có bò đi cắt cỏ khỏe hơn so với đi chăn, đi chăn cả ngày ngoài nắng, ngoài mưa mất thời gian mình làm. Tính ra mình đi lao động 1 ngày họ trả mình 200.000 đồng, mình nuôi 3 con bò mất  bao nhiêu công sức, thời gian nữa. Mình cắt cỏ về như này vừa thư giãn, sức khỏe tốt hơn, công cán nữa. Hồi xưa trâu bò heo ốm đau dịch sốt mình đâu biết, giờ kém ăn, ốm mình biết ngay, báo thú y.”

Không trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, những năm qua gia đình chị Y Tanh ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy luôn tích cực phát triển kinh tế. Đặc biệt, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” gia đình đầu tư nuôi bò. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, gia đình trồng sầu riêng để có thêm nguồn thu nhập. Chị Y Tanh chia sẻ: “Bản thân cố gắng trong sản xuất, nâng cao đời sống cho gia đình. Các chương trình của nhà nước đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo, DTTS, đã hỗ trợ cho bà con cây sầu riêng, cây cao su, cải tạo vườn đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo kinh tế gia đình. Thu nhập 1 năm của bản thân trong 1 năm khoảng 100 triệu đồng.

Để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, năm 2024 huyện Sa Thầy tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động gắn với phát huy hiệu quả các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đồng thời phát huy vai trò của mỗi đảng viên trong việc phụ trách hộ, nhóm hộ. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng mới các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình triển khai các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, về xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp gắn với hoạt động giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bà Phan Thị Hà Tiên, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Sa Thầy cho biết: “Các địa phương đã cụ thể hóa cuộc vận động bằng những hoạt động, mô hình cụ thể. Nhiều mô hình như trồng sầu riêng ghép, cải tạo vườn tạp;… đã phát huy hiệu quả cao, một số mô hình đã cho thu nhập ổn định. Từ việc xây dựng các mô hình đạt hiệu quả đã tạo hiệu ứng rõ nét, lan tỏa, giúp đồng bào DTTS nâng cao trình độ sản xuất, tích cực, chủ động trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng SX hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp ngành, đoàn thể từ huyện xuống cơ sở trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất gắn với phương châm thường xuyên, kiên trì, từng bước, làm đến đâu, chắc đến đó, lấy cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, già làng, người có uy tín gương mẫu thực hiện trước để hộ dân noi theo. Qua đó, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN trong năm 2024./.

                                                          CTV Trang Nhung – Diệp Hoàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *