(kontumtv.vn) – Ngọk Yêu là một trong những xã đặc biệt khó khăn và nằm cách xa trung tâm huyện Tu Mơ Rông. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã trong việc quan tâm nâng cao đời sống của người dân, đến nay, bà con nhân dân trên địa bàn đã có sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Xã Ngọk Yêu hiện có hơn 470 hộ dân với trên 1.600 nhân khẩu, trong đó gần 98% là người DTTS. Tại đây, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước vẫn còn ở một bộ phận người dân; việc áp dụng KHKT của hộ nghèo vào sản xuất còn hạn chế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm nên công tác giảm nghèo luôn là điều trăn trở của chính quyền địa phương. Nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, xã Ngọk Yêu đã tập trung cải thiện hệ thống giao thông. Đến nay, toàn xã có 24 km đường liên thôn, 11 km đường liên xã, hơn 10 km đường bê tông. Có được kết quả này, ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Yêu cho biết xã đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo bà con phát triển KT-XH để thoát nghèo. Trên cái tinh thần chỉ đạo của huyện, xã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm bảo lưu thông hàng hóa phát triển kinh tế, trong đó kêu gọi toàn hệ thống chính trị vào cuộc để vận động bà con nhân dân thay đổi nếp nghĩ cách làm.

Nhờ được tuyên truyên, vận động, người dân Ngọk Yêu đã dần thay đổi tư duy làm nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao. Đơn cử như hộ gia đình anh A Diệu ở thôn Long Láy 1. Những năm trước, gia đình anh chủ yếu trồng mì, năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh nên thu nhập không đáng kể. Sau khi được xã tuyên truyền, vận động và tự học hỏi các mô hình sản xuất, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư trồng cà phê, bời lời. Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên cây trồng của gia đình anh phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Đặc biệt, năm nay anh đã làm đơn xin thoát nghèo. Anh A Diệu vui mừng chia sẻ:Nhà mình hiện tại có trồng cây sơn tra, hai là cây cà phê, ba là cây bời lời, bốn là cây mì, năm là cây lúa nước. Bữa trước có vay ngân hàng 50 triệu giờ mình đã trả hết nợ ngân hàng rồi, xin làm đơn thoát nghèo.”

Với kinh nghiệm trong sản xuất, bà con xã Ngọk Yêu còn tự ươm giống nhằm đảm bảo chất lượng, số lượng cây giống. Tiêu biểu như HTX Dịch vụ Nông nghiệp hữu cơ Ngọk Yêu. Thành lập từ năm 2020 với hướng đi chính là ươm giống cây dược liệu, cà phê, cây rừng, hơn 1 năm qua, HTX cung ứng được khoảng 10.000 cây cà phê, 20.000 cây sơn tra cho bà con trên địa bàn xã. Hiện tại, HTX đang ươm số lượng lớn cây cà phê, cây sơn tra và cây thông, sẵn sàng cung ứng giống cho bà con. Hằng ngày, 9 thành viên của HTX thay phiên nhau đến chăm sóc vườn ươm. Hiện tại, bình quân 1 tháng, mỗi thành viên HTX thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng. Ông A Néo, thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp hữu cơ Ngọk Yêu cho hay: “Tôi cũng hết sức cố gắng, thứ nhất tự bản thân tự lực, tự cường tham gia lao động sản xuất, trồng bời lời, cà phê, sâm dây, làm thêm sâm Ngọc linh, làm giống cho HTX nông nghiệp hữu cơ xã Ngọk Yêu. Qua đó, cũng hỗ trợ làm giống, tự tìm giống phục vụ cho thôn làng và bà con.”

Đến nay, đời sống của người dân xã Ngọk Yêu ngày càng ổn định. Số hộ nghèo của xã giảm dần qua từng năm, hiện còn trên 180 hộ, chiếm hơn 39%. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, xã đã giảm được 36 hộ nghèo. Từ nguồn hỗ trợ sản xuất của các cấp, xã Ngọk Yêu định hướng phát triển kinh tế với trọng tâm là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Yêu cho biết trong thời gian tới, xã sẽ quyết liệt hơn trong cái đầu tư cho bà con tập trung phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phát triển cây dược liệu, trong đó kêu gọi bà con nỗ lực sử dụng nguồn vốn vay hợp lý đúng theo chủ trương của các cấp về chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con DTTS không phải là điều dễ dàng. Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 08 ngày 24/2/2021 của BTV Tỉnh ủy Kon Tum về triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ngọk Yêu đang tập trung toàn hệ thống chính trị tìm giải pháp giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm một cách thiết thực, sát hợp với địa phương./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *