(kontumtv.vn) – Ngày 15/3 hàng năm là ngày Quyền người tiêu dùng Thế giới. Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng nên tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, tuyệt đối không dùng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bà Châu Thị Liên (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) cho biết, trước kia bà vẫn thường mua đồ gia dụng, gia vị trong gia đình và cả sữa cho con cháu tại các cửa hàng tạp hóa. Nhưng từ khi nghe thông tin hàng nhái, hàng giả xuất hiện tràn lan trên thị trường thì hơn 1 năm nay, bà chuyển sang đi mua sắm tại các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi để tránh mua phải hàng kém chất lượng: “Tôi cũng thường hay mua những sản phẩm dùng trong gia đình, thì tôi cũng tin tưởng tới siêu thị mua nó an toàn hơn, giá cả nó cũng phải chăng, tránh hàng nhái, hàng giả”.

Tương tự như vậy, ông Nguyễn Minh Cảnh (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cũng lựa chọn mua sắm hàng hóa tại các siêu thị, các cửa hàng lớn có uy tín. Dù giá các mặt hàng sản phẩm tại đây cao hơn so với bên ngoài nhưng có xuất xứ rõ ràng, có biên lai mua sắm đầy đủ nên ông yên tâm hơn: “Một là cái hàng hóa nó đảm bảo về chất lượng, thứ hai là hàng không có hàng giả và nó đúng date, không có mặt hàng quá date. Do đó mà những mặt hàng ở đây nói chung là rất là tốt, tiêu dùng thì rất đảm bảo”.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ cung cấp cũng chủ động tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ. Đồng thời hướng dẫn người dân trang bị kiến thức tiêu dùng, tránh trở thành nạn nhân của hàng nhái, hàng giả. Hiện nay, đa số người tiêu dùng tự phân biệt hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng bằng cách dựa vào giá cả sản phẩm rẻ hơn so với hàng chính hãng. Các sản phẩm thường xuyên bị làm hàng nhái, hàng giả tràn lan đó là các loại sữa dành cho trẻ em, nhất là các loại sữa ngoại, bánh kẹo. Bà Nguyễn Thúy Vương, Chủ cửa hàng Com Come, thành phố Kon Tum nói: “Việc nhập hàng là luôn luôn kiểm tra hàng hóa có đầy đủ hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Các cơ quan ban ngành như là Quản lý thị trường hoặc là Chi cục Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thì họ cũng đến và kiểm tra hàng hóa ở tại đơn vị của chúng tôi”.

Bên cạnh một số người mua phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người tiêu dùng gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ, chấp nhận loại hàng hóa này vì phù hợp với túi tiền.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, phát triển 120 vụ vi phạm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các vụ vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Trong đó, có các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống, thức ăn thủy sản, thuốc lá ngoại, rượu bia, sâm Ngọc Linh củ, sâm dây…Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết: “Sẽ xử lý nghiêm về tình trạng hàng quá hạn, hàng kém chất lượng đưa về vùng sâu vùng xa, thị trường nông thôn. Cái thứ hai là xử lý tình trạng giả trộn Sâm Ngọc linh, nhãn hiệu Sâm Ngọc linh, làm mất cái thương hiệu của sản phẩm quốc gia và cái thứ ba nữa là tập trung và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và cũng đồng thời là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo được  quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến”.

Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, “Người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên nhận thức rõ nghĩa vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó lựa chọn những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, mua sắm hàng hóa tại những điểm bán hàng đảm bảo về chất lượng và giá cả, để trở thành người tiêu dùng thông thái.

  Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *