(kontumtv.vn) – Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh giúp kinh tế Việt Nam vượt qua năm 2016 đầy sóng gió, thách thức. Để nền kinh tế bước vào quỹ đạo phát triển cao hơn, tránh bị tụt hậu thì Nhà nước kiến tạo cần tập trung đổi mới thể chế, giải quyết nhiều điểm nghẽn.

Nút thắt lớn, thách thức nhiều

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Kinh tế TƯ, cho rằng, nền kinh tế Việt Nam năm 2016 đã trải qua nhiều thách thức lớn. Tuy nhiên, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, trong đó có nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh giúp kinh tế Việt Nam vượt qua một năm đầy sóng gió.

Để nền kinh tế bước vào quỹ đạo phát triển cao hơn, tránh bị tụt hậu thì Nhà nước cần nhiều nỗ lực đổi mới hơn nữa về thế chế và môi trường kinh doanh.

Nhà nước kiến tạo, Chính phủ kiến tạo, tái cơ cấu kinh tế, môi trường kinh doanh, triển vọng kinh tế, thể chế kinh tế, mô hình tăng trưởng, Ban kinh tế trung ương, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Kinh tế 2016 vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Nhà nước kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh”, do Ban Kinh tế TƯ phối hợp với Ủy ban Kinh tế của QH chủ trì tổ chức, một vấn đề được đặc biệt quan tâm là: vai trò kiến tạo của Nhà nước trong việc khơi thông nguồn lực và tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam và khuyến nghị cho những năm tiếp.

Hầu hết các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá, phân tích môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường và các điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2 thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, xây dựng nhà nước kiến tạo chính là khâu đột phá để thực hiện.

Trong năm vừa qua, theo GS. TS. Ngô Thắng Lợi, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong và ngoài nước, từ xu hướng bảo hộ, thế giới đa cực với nhiều ngã rẽ và ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu… nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên thực tế, trong năm 2016 vẫn có những điểm lưu ý: Một số chỉ tiêu không đạt nhưng điểm sáng rõ nhất chính là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với tăng trưởng ổn định, tái cơ cấu đã bắt đầu được gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và coi xây dựng Nhà nước kiến tạo là tuyên ngôn hành động của Chính phủ.

Phấn đấu người giàu giàu lên, nghèo giảm

Về triển vọng 2017, Báo cáo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự báo hai phương án tăng trưởng với mức 6,0% và 6,6%, phụ thuộc vào các điều kiện khác nhau trong nước và quốc tế, từ tăng trưởng tín dụng, lạm phát và tăng giá dầu thô,…

Trên thực tế, dư địa chính sách nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng không còn nhiều do lạm phát đang có xu hướng gia tăng do giá cả đầu vào tăng, lộ trình tăng giá nhiều hàng hóa dịch vụ quan trọng như y tế, giáo dục, điện… Cân đối ngân sách gặp nhiều sức ép. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn như nợ xấu hay mất cân đối kỳ hạn, chi phí nhiều, lãi suất khó giảm,…

Nhà nước kiến tạo, Chính phủ kiến tạo, tái cơ cấu kinh tế, môi trường kinh doanh, triển vọng kinh tế, thể chế kinh tế, mô hình tăng trưởng, Ban kinh tế trung ương, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Nhà nước kiến tạo là luồng gió mới đối với nền kinh tế.

Theo GS. TS. Ngô Thắng Lợi, luồng gió mới cho tăng trưởng kinh tế chính là cam kết vai trò chính phủ kiến tạo phát triển. Nội dung của chính phủ kiến tạo đã được khởi động. Tư duy và phương pháp điều hành cũng đã được thay đổi.

“Kết quả năm vừa qua, số lượng DN đăng ký cao hơn hẳn, phá sản ít hơn, ngoài nước chỉ số cạnh tranh toàn cầu tăng…”, TS. Lợi chia sẻ.

Hiện, mô hình tăng trưởng kinh tế chưa được cải thiện nhiều, chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng thấp trong khi xuất khẩu phần lớn vào các yếu tố đầu vào và công nghệ nhập khẩu. Thời gian tới, nền kinh tế có thể tiếp tục gặp khó khăn và những cải cách thể chế kinh tế có thể bị trì hoãn khi Hiệp định TPP không còn hiệu lực.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, theo cách phân loại 5 giai đoạn phát triển kinh tế của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thì Việt Nam đang chuyển đổi trong chừng mực nào đó từ việc tăng các nhân tố đầu vào như vốn, lao động sang tăng dần hiệu quả của các yếu tố.

Trong khi đó, theo PGS. TS. Lê Xuân Bá, bản chất của tái cơ cấu là đổi mới phân phối nguồn lực, trước NN nắm 100%, thì giờ thay đổi, để nguồn lực từ nơi không có hiệu qua chuyển tới nơi có hiệu quả. Tất nhiên, trong quá trình thay đổi mô hình, cần xác định cái giá phải trả. Câu hỏi được đặt ra là: có chấp nhận đóng cửa các DN yếu kém, ngân sách có chấp nhận giảm thu, giảm chi…?

Trên thực tế, hiệu quả của những đổi mới đã được ghi nhận ở cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, đây là bước đầu. Sự kiên định và ý chí quyết tâm mới có thể giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Cùng với việc hoàn thiện chế chế và môi trường kinh doanh, GS. TS. Ngô Thắng Lợi kiến nghị Việt Nam tập trung số 1 vào tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng lớn. Tăng cường chính sách hỗ trợ DN tư nhân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sử dụng chính sách tăng trưởng hài hòa.

V. Hà/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *