(kontumtv.vn) – Ngày 26/1, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì buổi họp giao ban công tác tháng 1, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm tháng 2 của Bộ Giao thông Vận tải theo hình thức trực tuyến.

Chú thích ảnh
Dòng xe chen lấn nhau, lấn cả làn dành cho xe mô tô để qua cầu Rạch Miễu (nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang), dẫn đến ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 60. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại cuộc họp giao ban này là thực hiện các giải pháp giải tỏa hành khách, hạn chế tối đa ùn tắc giao thông dịp Tết Nguyên đán.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, thời điểm này đã là cận Tết Nguyên đán. Vì vậy yêu cầu các đơn vị triển khai mạnh mẽ, nghiêm túc công tác vận tải gắn với phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường công tác tổ chức quản lý hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại an toàn của nhân dân.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết, trước đó Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập Ban chỉ đạo vân tải trong dịp Tết của đơn vị; lập danh sách và phân công lãnh đạo, chuyên viên trực trong dịp Tết; công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan.

“Các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải, xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục chuyên ngành, về cơ bản các bến xe, nhà ga, cảng, bến thủy nội địa trong cả nước đều sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, với mục tiêu không để hành khách nào phải lưu lại bến vì không có phương tiện.

Liên quan đến vấn đề xây dựng cơ bản, tại cuộc họp, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) thông tin, giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải triển khai 65 dự án. Năm 2022 dự kiến khởi công 38 dự án, hoàn thành 30 dự án.

“Trong tháng 1, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 1 dự án (tuyến nối quốc lộ 91 và tránh thành phố Long Xuyên); khánh thành 3 dự án (dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án thành phần đoạn Cao Bồ – Mai Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020)”, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Đối với Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai dự án, quy chế phối hợp, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước triển khai thực hiện dự án; đồng thời, đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần cho các ban quản lý dự án.

Một nội dung quan trọng khác cũng được đưa ra đánh giá tại cuộc họp giao ban tháng 1/2022 của Bộ Giao thông Vận tải đó là công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh triển khai. Theo đại diện Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025; ban hành chương trình phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số ngành giao thông vận tải năm 2022; xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Liên quan đến công tác giải ngân xây dựng cơ bản, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải dồn lực, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.

Năm 2021, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải khoảng 43.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/1 và dự kiến 15 ngày cuối tháng 1, các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được khoảng gần 40.900 tỷ đồng, đạt khoảng 96% kế hoạch năm.

Quang Toàn (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *