Thực tế từ hàng loạt công trình cảng biển và sân bay đang cho thấy, đầu tư chi phí cao nhưng hiệu quả sử dụng thấp.

Mới đây, Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng trần bội chi lên mức 5,3% GDP trong hai năm 2013 – 2014. Đây là quyết định khó khăn nhưng cần thiết, với mục tiêu ưu tiên cho đầu tư phát triển và trả nợ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là những đồng tiền ngân sách sẽ được đầu tư như thế nào cho hợp lý? Kỷ luật ngân sách cần phải được siết chặt ra sao để tránh nợ chồng thêm nợ?

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị nghẽn, tổng cầu giảm quá mạnh, tín dụng không tăng trưởng thì việc dùng công cụ ngân sách để giải quyết một số công trình cấp thiết của nhà nước nhằm kích thích tăng tổng cầu là tất yếu. Tuy nhiên, song song với đó cần kiểm soát chặt chẽ kỷ luật chi tiêu ngân sách cũng như các khoản đầu tư công. Hay nói một cách khác, từng công trình được ngân sách Nhà nước rót vốn đầu tư phải chứng minh được hiệu quả sử dụng và giá trị kinh tế. Thế nhưng, thực tế từ hàng loạt công trình cảng biển và sân bay đang cho thấy điều ngược lại. Đầu tư chi phí cao nhưng hiệu quả sử dụng thấp.

Dự án sân bay quốc tế Long Thành (Ảnh: Saigon News)

Có thể lấy đề xuất xây dựng sân bay Long Thành ở TP HCM làm một ví dụ. Trước khi diễn ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri ở quận Tân Bình, TP HCM, các cử tri đã quyết liệt phản đối việc xây dựng thêm sân bay Long Thành ở TP HCM, khi mà sân bay Tân Sơn Nhất hiện có còn chưa khai thác hết công suất. Trong lúc dự án sân bay Long Thành tính toán rằng đến năm 2015 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón xấp xỉ 19 triệu lượt khách và hơn 450.000 tấn hàng hóa, thì con số thông kê của Cục Thống kê TP HCM cho thấy, 5 năm qua lượng khách và chuyến bay quốc tế đến sân bay này đều giảm.

Nếu giữ nguyên tốc độ giảm như 5 năm qua thì đến năm 2015 số lượng khách và hàng hóa thông qua cảng hàng không này chỉ đạt 2/3 con số mà những người xây dựng dự án sân bay Long Thành đưa ra. Cùng với đó, báo cáo của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cho thấy, mật độ sân bay Việt Nam hiện đang ở mức trung bình của khu vực. Điều này cũng có thể hiểu là trong thời gian trước mắt sẽ không cần xây thêm sân bay, dù ở địa phương nào. Thế nhưng, vẫn có những đề xuất xây dựng cảng biển và sân bay như thế.

Theo một con số thống kê, trong 10 năm qua, Việt Nam đã đầu tư công với 20 cảng biển quốc tế; 22 sân bay dân dụng… Cả nước có 27 tỉnh có bờ biển thì đã có tới 266 cảng biển lớn nhỏ, tức là trung bình mỗi tỉnh có tới gần 10 cảng, thế nhưng trong số này chỉ có khoảng 10 cảng có đủ điều kiện để tiếp nhận tàu trọng tải cỡ trung bình của thế giới. Tương tự, dù xây dựng mới 22 sân bay dân dụng, trong số đó có một số được gắn mác “sân bay quốc tế”, nhưng rất ít sân bay khai thác được các chuyến bay thương mại quốc tế.

Để xảy ra tình trạng này, có thể thấy “lỗi” trước hết là công tác quy hoạch phát triển hạ tầng. Cùng với đó là tình trạng kỷ luật chi tiêu ngân sách chưa được tuân thủ chặt chẽ, mà chủ yếu là đầu tư theo phong trào, gây thất thoát và lãng phí ngân sách – cũng có nghĩa là lãng phí tiền thuế do người dân và doanh nghiệp đóng góp. Kể từ khi việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng được giao về địa phương, dường như đã có một cuộc đua ngầm diễn ra giữa các địa phương. Thay vì nhận thức đầy đủ trách nhiệm của địa phương trong hoạt động quy hoạch phát triển và đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều địa phương chỉ chú trọng đầu tư những công trình “hoành tráng” cho “bằng bạn bằng bè”. Hậu quả là sau 10 năm, tính bình quân mỗi tỉnh có tới 4 khu công nghiệp và 10 cảng biển và bình quân cứ 3 tỉnh, thành phố lại có 1 sân bay. Tuy nhiên, tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp, khu kinh tế hay tỉ lệ hàng hóa cập cảng, lượng khách đi và đến sân bay đều không cao, trừ một số địa phương trọng điểm kinh tế.

Trong buổi thảo luận tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 của Quốc hội mới đây, điều khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng là hiện mỗi người dân gánh 826,4 USD nợ công, nếu năm tới lại tăng bội chi thì gánh nặng nợ nần sẽ tăng thêm. Thực tế này đang đòi hỏi những giải pháp căn cơ để kiểm soát chặt chẽ phần chi này. Việc kiểm soát chi phải bắt đầu từ mỗi địa phương, từ mỗi quyết định chi đầu tư xây dựng cơ bản, bắt đầu từ công tác quy hoạch phát triển hạ tầng. Hay nói một cách khác, chỉ khi nào mỗi cá nhân ở từng cơ quan quản lý Nhà nước đặt mình vào địa vị của những người dân và doanh nghiệp nộp thuế, cân nhắc chi tiêu ngân sách nhà nước như tiêu tiền ở trong ví của chính mình, thì khi ấy hoạt động đầu tư công mới giảm được thất thoát, lãng phí./.

Thu Thùy/VOV 1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *