(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum có tỷ lệ bà con dân tộc thiểu số chiếm gần 54% nên gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội. Dù vậy, kể từ khi thành lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn nỗ lực triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế đi lên, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Huyện biên giới Ia H’Drai được thành lập năm 2015 trên cơ sở tách ra từ huyện Sa Thầy. Sau thời gian phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giờ đây, huyện có sự phát triển mạnh, trở thành vùng chuyên canh cây cao su với tổng diện tích khoảng 24 ngàn ha. Giao thông ở địa phương trước đây đường mòn là chủ yếu, lại cách trở bởi núi cao, ngầm sâu nhưng nay đường đến huyện Ia H’Drai đã thuận tiện hơn rất nhiều. Cùng với Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới với nước bạn Campuchia, tỉnh lộ từ huyện Sa Thầy đi sang cũng đã hoàn thành. Hiện trên địa bàn huyện các tuyến giao thông đến 3 xã Ia Dom, Ia Tơi và Ia Dal đã thảm nhựa, bê tông kết nối với đường tuần tra biên giới thuận lợi cho sản xuất, giao thương. Bên cạnh đó, mạng lưới điện, nước sạch giờ được đầu tư nâng cấp giúp những thôn, làng vùng sâu, vùng xa của huyện có điện thắp sáng và có nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân. Cùng với phát triển kinh tế từ cây chủ lực là cao su, việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp – thủy sản đang là bước đi đúng đắn giúp huyện biên giới Ia H’Drai giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 5 – 6% và trong năm 2020 giảm 10%, vượt kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Hữu Thạch, Bí thư Huyện ủy Ia H’Drai nói: “Rõ ràng đối với một đơn vị hành chính cấp huyện thành lập sau với điểm xuất phát rất là thấp, gần như là phải kiến thiết từ đầu, thì muốn rút ngắn khoảng cách phát triển với các huyện khác, không còn cách nào khác, huyện Ia H’Drai phải nỗ lực vượt bậc để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế mới đáp ứng được mục tiêu đề ra là rút ngắn cái khoảng cách, trình độ phát triển giữa huyện mới với các huyện bạn đã có chiều dài lịch sử rất lâu rồi”.

Ở huyện Sa Thầy, Rờ Kơi là xã biên giới đặc biệt khó khăn với điểm xuất phát thấp, ĐBDTTS trên 90%, đất đai canh tác bạc màu do tàn dư của chiến tranh, hạ tầng cơ sở hạn chế và thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Thời điểm năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm gần 60%, mức thu nhập trung bình của người dân chỉ đạt hơn 9 triệu đồng/năm. Trước thực tế này, Đảng ủy, chính quyền xã Rờ Kơi đẩy mạnh triển khai các giải pháp, trong đó, tập trung tranh thủ mọi nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để xây dựng nông thôn mới và giúp bà con từng bước thoát nghèo. Ông Trần Lệnh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: “Chúng tôi tập trung vào những nhiệm vụ mũi nhọn, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng một số mô hình trình diễn. Hiện nay, chúng tôi đang chuyển đổi từ canh tác nhỏ lẻ sang canh tác tập trung. Hiện nay, địa phương đã thâm canh cây mỳ. Hai là chuyển đổi diện tích bạc màu từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây cà phê, cao su. Năm 2018, 2019 thì chúng tôi đã phát triển được trên 60 ha cây ăn trái hiện nay đang cho thu hoạch ổn định”.

Từ một xã có gần 60% hộ nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 18%; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt hơn 25 triệu đồng/năm, tăng trên 12 triệu đồng so với năm 2016. Đây là tiền đề vững chắc để xã Rờ Kơi tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự chuyển biến, đổi thay tích cực trong đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông A Tui (làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi) chia sẻ: “Hồi trước nhà ông già nghèo nên ông già phải cố gắng làm ăn. Mình tự làm, tự ăn, không ỷ lại vào Nhà nước. Nhà nước quan tâm bà con nhưng mình phải chăm chỉ làm, vậy mới thoát nghèo được. Giờ ông già đã thoát nghèo. Ông già vui lắm. Bà con cứ nhìn vào đó để làm ăn, từ đó cũng thoát nghèo”.

Giai đoạn 2016 – 2020 chứng kiến sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trên 13,6%, trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 17.650 hộ. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng kinh phí thực hiện Đề án giảm nghèo của tỉnh là hơn 8.400 tỷ đồng. Nguồn lực giảm nghèo được tỉnh ưu tiên phân bổ để phát triển kinh tế – xã hội ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện lồng ghép vốn hỗ trợ hộ nghèo từ Chương trình Giảm nghèo bền vững, Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Tính riêng năm 2019, tỉnh Kon Tum có hơn 5.300 hộ thoát nghèo, đạt tỉ lệ trên 4%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, trong đó, đáng chú ý có gần 4.900 hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo. Phát huy kết quả đạt được trong thực hiện giảm nghèo, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tiếp tục giảm 3,5%. Tại một số địa phương, có không ít hộ nghèo đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Đây là việc rất đáng tuyên dương, thể hiện ý chí, quyết tâm của người nghèo trong nỗ lực lao động, sản xuất, nâng cao đời sống.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *