(kontumtv.vn) – Khi công nghệ số đang trở thành xu thế trong mọi lĩnh vực đời sống,  việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (UDNNCNC) trong sản xuất nông nghiệp cũng trở thành việc tất yếu, nhất là đối với người nông dân. Điều này không chỉ giúp họ thay đổi tư duy sản xuất, quản lý quy trình sản xuất có hiệu quả mà còn hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững trong tương lai.

Ông Vũ Tiến Dũng ở thôn Tân Lập, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà là một trong những hộ tiên phong sử dụng điện khí hóa vào sản xuất nông nghiệp. Với tổng diện tích hơn 5ha, hiện ông đang trồng cà phê xen sầu riêng và các loại cây ăn quả khác như cam, quýt, ổi, chanh không hạt và nuôi cá nước ngọt. Do vậy, đối với ông, việc thay đổi này vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí quản lý trang trại, vừa đảm bảo nguồn điện để sử dụng các loại máy móc phục vụ việc sơ chế và bảo quản sản phẩm nông sản. Nhờ đó, ông tích luỹ được nguồn vốn để thực hiện kế hoạch tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của gia đình trong thời gian tới. Ông Vũ Tiến Dũng cho biết: “Thực tế thì khi mình sử dụng được điện ba pha vào sản xuất thì nó tiết kiệm rất nhiều so với các loại máy móc thô sơ khác. Vừa tưới nước cho cây, vừa bón phân cho cây qua hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng điện ba pha này. Cả một trang trại 5 ha của tôi, sử dụng chỉ mất có một người tưới thôi. Qua 2 năm sử dụng thôi thì tiết kiệm được rất nhiều tiền, mà cây cối lại phát triển ổn định.”

Không chỉ ông Dũng, tại huyện Đăk Hà, có rất nhiều hộ nông dân chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu tư, công chăm sóc ban đầu nhằm mang lại lợi nhuận cao. Ông Hoàng Danh Chuyền ở TDP 5, thị trấn Đăk Hà đã gắn bó với mô hình trồng cà phê gần 20 năm. Do đó, đối với những cây cà phê già cỗi, ông tự chủ động tái canh, sử dụng giống mới nhằm nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích. Từ thu hoạch 13kg/cây, đến nay vườn cà phê của ông cho năng suất lên đến 20kg/cây. Trong công nghệ tưới tiêu, trước đây gia đình ông chủ yếu tưới bằng béc quay, vừa rồi được nhà nước hỗ trợ 45 triệu đồng/ha, ông đã chuyển sang tưới bằng công nghệ mới.

Ông Nguyễn Thiện Tú, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Hà cho biết, nắm bắt nhu cầu kinh tế thị trường, hiện nay hầu hết nông dân ở địa phương đều phải tự thay đổi để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Đó chính là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp truyền thống sang NNUDCNC để tạo ra những sản phẩm không những đạt năng suất, mà còn phải đảm bảo chất lượng. Đến nay, hội viên nông dân trên địa bàn huyện cơ bản đã mạnh dạn áp dụng khoa học kĩ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, liên kết với nhau để đầu tư, chế biến nâng giá trị sản phẩm và hướng tới là phát triển bền vững và làm giàu chính đáng.

Bên cạnh đó, hiện nay không ít thanh niên đang có xu hướng lựa chọn khởi nghiệp bằng việc đầu tư làm nông nghiệp. Với sức trẻ và tư duy mới, họ sẵn sàng thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang NNUDCNC và thậm chí là ứng dụng công nghệ số hoá trong quy trình sản xuất, mang lại chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của mình cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Anh Lương Thiên Vũ, hiện đang là Quản lý của công ty 4 Ways Fresh Farm, tại Khu NNUDCNC Măng Đen, huyện Kon Plông. Anh cho biết, hiện tại, sản phẩm chủ lực của công ty là cà chua, ớt chuông, dưa leo và các loại rau, củ, quả xứ lạnh. Để thích ứng với thời tiết của Kon Plông, công ty bắt buộc phải sử dụng nhà màn để che chắn; đầu tư thêm hệ thống tưới, bón phân nhỏ giọt và tự động để đảm bảo chất lượng, năng suất sản phẩm. Dù chi phí đầu tư khá cao nhưng bù lại, việc chăm sóc cây trồng, quản lý quy trình sản xuất trở nên đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều. Anh Vũ cho biết thêm: “Ứng dụng khoa học công nghệ là hệ thống tưới chính xác, hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng các thiết bị ứng dụng các thiết bị công nghệ như quản lý hệ thống tưới tự động bằng app trên điện thoại điều khiển từ xa. Ngoài ra còn ứng dụng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất như nấm Trichoderma và các loại thiên địch.”

Dù sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự phát triển và đạt được một số kết quả nhất định, song trên thực tế, việc UDCNC và nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị của người nông dân vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, song song với việc người nông dân tự thay đổi để thích ứng với chuyển đổi số, rất cần sự hỗ trợ đồng hành của các cấp ngành bám sát nhu cầu thực tế, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị nông sản./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *