(kontumtv.vn) – Tính từ đợt tăng giá đầu tiên vào cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng trung bình từ 6 – 7 đợt tùy doanh nghiệp. Trong khi đó, giá bán ra của một số sản phẩm chăn nuôi đang giảm mạnh. Thực trạng này khiến nhiều hộ chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng.

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá, chưa bao giờ anh Hoàng Kim Nam ở xã Đăk La, huyện Đăk Hà khó khăn như lúc này. Anh cho biết, mỗi ngày, trại nuôi cá lồng bè của anh sử dụng từ 7 tạ đến 1 tấn cám cho đàn cá. Theo anh, từ cuối năm ngoái đến nay, giá các loại thức ăn cho cá tăng liên tục đến 9 lần, chi phí đầu tư vì thế cũng bị đẩy lên rất cao. Trái ngược với xu hướng tăng giá của thức ăn, giá cá thành phẩm bán ra hiện nay lại giảm từ 7 đến 8 ngàn, thậm chí 15 ngàn mỗi ký so với năm ngoái. Khó khăn vì thế cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba. Anh Hoàng Kim Nam cho biết: “Giá cám bây giờ phải tăng cỡ độ 50 – 60 nghìn/ bao, như mọi năm cỡ hơn 370- 375 nghìn, nhưng năm nay phải vào 425 nghìn, có khi 430 nghìn. Nó tăng lên nhiều lần như thế. Hiện tại giá đang cao, có khi còn tăng nữa, không có thời kì nào giảm cả.”

Chung cảnh ngộ, bà Cao Thị Tuyết ở tổ dân phố 6, thị trấn Đăk Hà cho biết, năm 2019, gia đình bà bị thiệt hại 1,5 tấn heo do dịch tả heo Châu phi. Tạm ngưng một thời gian, đến năm 2020, gia đình bà quyết định tái đàn đợt 1. Tháng 2/2021, khi giá heo hơi đang ở ngưỡng 70 ngàn đồng/kg, bà đầu tư mua 20 heo con với giá 2,2 triệu đồng/con. Chi phí mua con giống cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, trong khi, giá heo hơi đã giảm sâu khoảng 56 ngàn/kg. Bà Tuyết cho biết, dù chưa xuất chồng, nhưng nhận thấy sẽ thua lỗ.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dần – Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà cho biết thêm: “Giá thức ăn chăn nuôi trong gia súc gia cầm cũng như thủy sản đến thời điểm này tăng khá cao, bình quân 1 bao 40 – 50, có loại 60 nghìn 1 bao. Bao thức ăn đối với gia cầm 25kg tăng 50 – 60 ngàn. Đối với chăn nuôi heo bao 40 kí tăng  cả trăm nghìn/bao.”

Với tình hình này, bà Cao Thị Tuyết chấp nhận thua lỗ phải bán và chưa có ý định sẽ tiếp tục tái đàn trở lại. Bà Tuyết chia sẻ: “Giờ thì cứ nuôi thế, đến đâu hay đến đấy. Mai mốt kêu rồi bán rẻ thôi, chứ biết làm sao được. Giờ heo to thì phải bán thôi chứ nuôi to lắm họ không mua, heo cả tạ họ không mua, 80 –  90 kí đã không mua rồi.”

Huyện Đăk Hà là địa phương có tỉ lệ hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm khá lớn với tổng đàn gia súc trên 17.000 con, 273.000 con gia cầm và trên 227 hecta ao hồ nuôi cá. Trong khi các loại hình chăn nuôi này phụ thuộc rất nhiều vào các loại thức ăn công nghiệp, thì việc giá thức ăn tăng cao liên tục đã và sẽ tiếp tục gây ra rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Nhiều nông dân rơi vào tình cảnh chỉ có lựa chọn duy nhất là chấp nhận thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Dần – Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà bày tỏ: “Mong muốn là nhà nước có chính sách với doanh nghiệp để các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cám, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cũng như kể cả phân bón hạn chế tăng giá. Chứ tăng như thế này thì đúng là bà con, ví dụ trồng trọt mà không có phân bón thì không được, chăn nuôi nếu chúng ta nuôi thuần không sử dụng cám công nghiệp thì không được, với mức cám tăng thế này bà con rất khó khăn.”

Những tháng vừa qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Người chăn nuôi đang kỳ kỳ vọng, Nhà nước sẽ sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này và có biện pháp kịp thời hỗ trợ cho người dân không rơi vào tình trạng tiếp tục thua lỗ nặng./.

Chung Loan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *