(kontumtv.vn) – Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” nhiều hội viên nông dân tại huyện Đăk Hà đã chuyển đổi mô hình sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.

Gia đình Ông Vi Văn Ân người dân tộc Thái từ tỉnh Thanh Hóa vào huyện Đăk Hà lập nghiệp đầu những năm 1990. Bắt đầu từ hai bàn tay trắng với bao lo toan vất vả, với ý chí không cam chịu đói nghèo đã thôi thúc ông động viên gia đình tích cực lao động sản xuất, đến nay cuộc sống ngày càng ổn định. Với số vốn tích lũy được gia đình đã mạnh dạn mua rẫy, học hỏi kinh nghiệm trồng cây cà phê. Bằng cách lấy ngắn nuôi dài, sau nhiều năm chăm sóc, cây cà phê đã bước vào chu kỳ kinh doanh cho năng suất ổn định. Cùng với nguồn vốn tích lũy gia đình đã vay mượn mở rộng diện tích cánh tác, đến nay có 2,5 héc ta cà phê, 1 héc ta cao su, gần 5 sào lúa nước. Để nâng cao thu nhập, gia đình chăn nuôi thêm gà, vịt, heo để tận dụng nguồn phân bón tái sản xuất, chăm sóc diện tích cây trồng. Ông Vi Văn Ân ở Thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà cho biết: “Trước kia mình vào trong này thì cái vốn nó không có cây cà phê mình có trồng được đâu nhưng bây giờ mỗi thứ mình làm một tý, mình phải nghĩ mình phải thay đổi, thay đổi mình mới làm được nên như vậy mình không tự nghĩ, tự làm làm sao mình nuôi mấy con. Riêng nuôi con heo, mình không bỏ cái gì hết, mình cho xuống hầm mang lên đun nước nó chảy ra là mình lại đổ trấu cà vào đi đổ cho cà phê không mất cái gì hết”.

Gia đình anh A Đông hiện là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh tiêu biểu tại địa phương nhờ mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật, thu hái đảm bảo tỷ lệ quả chín cao trên diện tích hơn 3.000 cây cà phê của gia đình, vợ chồng anh đã mạnh dạn đầu tư mua máy xay xát cà phê, máy gặt đập lúa liên hoàn phục vụ nhu cầu của người dân. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng. Anh A Đông – Thôn Kon Jo Ri, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà cho hay: “Ngày xưa, mình làm ăn cũng khó khăn lắm sau đó thấy bà con người dân Quảng Ngãi phát triển làm cà nên mình bắt chước, mình có đất thì mình trồng cà, mình học cắt cành, tạo cành. Đầu tiên vô cắt cành, tạo cành sau nó mới đều cây, nó thoáng hấp thụ ánh sáng đều thì cà nó mới phát triển khỏe mạnh được, cà thì không có bán tươi nữa,hái xong đem về nhà phơi, phơi xong xay ra nhân bán mới được lợi hơn”.

Hiện nay huyện Đăk Hà có gần 8.300 hội viên nông dân, trong đó hơn 4.000 hội viên trong vùng DTTS. Thực hiện cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, các cơ sở hội xây dựng nhiều mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ sản xuất của nông dân. Tiêu biểu như mô hình nuôi dê tại xã Đăk Mar, mô hình nuôi gà đẻ trứng tại xã Đăk Hring, mô hình trồng nấm tại xã Đăk La cùng nhiều mô hình được triển khai gắn liền với phong trào giảm nghèo tại địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực.  Ông A Beng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà nói: “Hội viên còn lại còn 13 hộ nghèo Hội nông dân xã cũng đã triển khai trong 13 hộ chọn 5 hộ người dân hộ nghèo và cận nghèo để áp dụng thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số để thoát nghèo bền vững. Hội nông dân đã chọn 5 hộ để làm điểm đó là xây dựng chuồng trại an toàn vệ sinh là chăn nuôi bò hộ gia đình và sử dụng phân chuồng để bón các loại cây trồng”.

Thay đổi nếp nghĩ, đổi mới phương thức sản xuất đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hội viên nông dân tại huyện Đăk Hà, tạo động lực lan tỏa cuộc vận động trong hội viên nông dân vùng dân tộc thiểu số nói riêng và người dân trên địa bàn huyện  nói chung.

                                          Minh Thái

                                         Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Đăk Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *