(kontumtv.vn) – Tại sao tình trạng vỡ quy hoạch nông nghiệp liên tục xảy ra ở Tây Nguyên suốt hơn 20 năm nay, mà vẫn không tìm được hướng khắc phục.

Như đã đề cập trong bài “Nông nghiệp Tây Nguyên: Phá sản trên ngôi vị số 1”, nhiều nông dân trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên đang phá sản, dù đã tạo ra năng suất, sản lượng hàng đầu thế giới. Nông dân và doanh nghiệp cà phê ở khu vực cũng đang gặp nhiều khó khăn vì sản xuất-kinh doanh không có lãi.

nong nghiep tay nguyen: vi sao "nha nong" khong theo "nha nuoc"? hinh 1

Advertisement

Quy hoạch không đồng bộ ở vùng mía Ea Súp khiến dân mất lòng tin.

Nguyên nhân đã được nhận rõ, đó là sản xuất chạy theo số lượng, vượt quy hoạch hàng chục nghìn ha.  Câu hỏi đặt ra là: tại sao tình trạng vỡ quy hoạch liên tục xảy ra ở Tây Nguyên suốt hơn 20 năm nay, mà vẫn không tìm được hướng khắc phục.

Mới chỉ hơn 2 năm rớt giá hồ tiêu, bộ mặt nhiều làng, xã ở Đăk Lăk đảo ngược hoàn toàn vì kinh tế của các hộ hầu như bị móc rỗng. Thất bại này đặt ra cho ngành nông nghiệp địa phương nhiều câu hỏi về trách nhiệm trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch cây trồng.

Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đăk Lăk, tỉnh lập quy hoạch cho cây tiêu chỉ 16.000 ha đến năm 2020, nhưng đến năm 2017, diện tích này đã là hơn 42.000 ha. Ông Nguyễn Hắc Hiển cho rằng, việc Nhà nước chỉ lập quy hoạch nông nghiệp chứ không có chế tài để thực hiện quy hoạch, là bất cập chính dẫn tới đổ vỡ.

“Chính quyền địa phương cũng có định hướng quy hoạch nhưng người dân do thấy hiệu quả giá trị kinh tế của cây tiêu so với cây trồng khác cao hơn, nên tự chọn cây tiêu. Quy hoạch nhưng chưa có chế tài, nên người dân vẫn trồng tiêu”, ông Hiển phân tích.

Nông hộ giữ vai trò chủ lực đã tạo nên sự năng động và phát triển nhanh chóng của nông nghiệp Tây Nguyên, nhưng cũng kèm theo mặt trái là phát triển quá nóng, không có điểm dừng. Đây là thực tế đã được nhìn nhận ở Tây Nguyên từ hơn 20 năm qua. Các nông hộ không tính toán dài hạn như doanh nghiệp. Họ dễ dàng  bị cuốn theo thị trường, vội vã trồng cây, vội vã chặt bỏ.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một lý do khác, luẩn quẩn chặt-trồng của nhà nông còn do những bất cập trong quy hoạch hoạch của Nhà nước.

Năm 2003, Đăk Lăk đã đưa các huyện phía đông vào quy hoạch trồng điều và nông dân đã hưởng ứng trồng hàng nghìn ha, nhưng sau đó phải phá bỏ vì đặc thù khí hậu ở đây khiến điều khó kết trái. Đến năm 2017, Đăk Lăk quy hoạch Ea Súp thành vùng nguyên liệu mía, nông dân cũng hưởng ứng trồng hơn 4.000 ha.

Thế nhưng, quy hoạch không đồng bộ, hệ thống thu mua, chế biến yếu kém đã gây cho nhà nông nhiều khó khăn, bức xúc. Sau 2 vụ đầu tiên, để cắt những khoản lỗ nặng, nông dân Ea Súp đã rối rít phá bỏ mía để trồng sắn, gây nguy cơ vỡ quy hoạch cả 2 loại cây trồng.

Anh Nguyễn Đình Hiền ở thị trấn Ea Súp ở xã Cư Mlan nói về những bất cập “Xưa nay là làm gì có chuyện mía để 2 năm? Vì các ông ấy tính toán thế nào đó nên mới bỏ lại chứ. Như vậy thì năm đầu là bỏ. Năm thứ 2 thì mới thu vụ vừa rồi. Tính cả hai vụ nói chung là lỗ. May mà trồng có hơn 4 ha thôi đó, không thì còn chết nữa!”.

“Không thu mua kịp nên mía bị cháy rất nhiều. Năm đầu thu được 25-27 triệu đồng/ha, trong khi đầu tư tới 45 triệu đồng/1ha. Mà trồng hai mươi mấy ha thì lỗ khoảng 500 triệu. Cho đến năm nay, sản lượng chỉ bằng 1/3 năm ngoái thôi, mỗi ha được khoảng 25 tấn. Mà công chặt lại rất cao. Tiền thu về chưa đủ tiền phân” anh Lê Phi Công Thành, ở xã Cư Mlan nói.

Hối hận vì trồng theo quy hoạch cũng xảy ra ở ngành cao su của các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng.

Từ 2008 đến 2012, được sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, các tỉnh này đã ồ ạt chuyển 100.000 ha rừng sang trồng cao su, kéo theo làn sóng đầu tư cao su tiểu điền gia tăng khắp nơi.

Kết quả là hàng chục ngàn ha cao su đã không sống nổi hoặc cho năng suất quá thấp, hiệu quả kinh tế âm. Riêng ở Gia Lai, số cao su rơi vào tình trạng này đã khoảng 12.000 ha.

 

nong nghiep tay nguyen: vi sao "nha nong" khong theo "nha nuoc"? hinh 2
Hàng chục ngàn ha cao su năng suất thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế âm.

Ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, xử lý sai lầm này như thế nào là điều rất nan giải. Nếu duy trì hiện trạng thì lãng phí đất đai, tổn hại môi trường. Nếu chuyển cao su sang cây trồng khác thì quá tốn kém. Riêng khoản nộp phí trồng rừng thay thế cho diện tích này đã hơn 700 tỷ đồng.

“Các doanh nghiệp phải xây dựng các dự án chuyển đổi trồng cây nông nghiệp, nhưng với điều kiện phải làm phương án trồng rừng thay thế. Cứ chuyển đổi 1ha thì phải trồng lại 1ha. Không trồng được thì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng để giao cho các đơn vị có nhu cầu trồng rừng theo quy định. Theo tính toán của tỉnh Gia Lai, 1ha trồng rừng 3 năm chăm sóc là khoảng 64 triệu đồng”, ông Thuyên cho hay.

Nhà nông say bóng thị trường, Nhà nước quy hoạch không phù hợp thực tế, đang khiến nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục vòng luẩn quẩn chặt-trồng, trồng chặt  chưa biết bao giờ kết thúc.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời, việc phá vòng luẩn quẩn này thuộc về trách nhiệm trực tiếp của Nhà nông và Nhà doanh nghiệp. Nhưng để làm được điều đó, Nhà nước cần làm tốt vai trò trung tâm-kiến tạo.

“Chỉ doanh nghiệp là có thể kết nối được sản xuất với thị trường, mới ký được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Vì vậy, trong liên kết 4 nhà, thì Nhà nông, doanh nghiệp, Nhà khoa học nên là 3 chủ thể, ở vị trí 3 đỉnh của 1 tam giác. Còn nhà nước ở giữa 3 đỉnh đó, đóng vai trò kiến tạo như chính phủ vẫn nói, tức là vai trò tạo luật chơi, vai trò trọng tài và vai trò chế tài”, ông Thòn nêu ý kiến.

Đưa doanh nghiệp trở thành chủ đạo dẫn dắt, nông nghiệp Tây Nguyên sẽ đạt được những đột phá. Đây là điều đã được khẳng định bằng thực tế của khu vực.

Ngay từ sau giải phóng, Đảng, Nhà nước đã thành lập ở đây hàng trăm nông trường cà phê, cao su. Các đơn vị này nhanh chóng khai mở tiềm năng đất đai và nâng tầm cho nhà nông Tây Nguyên, đưa Tây Nguyên từ vùng đất lạc hậu thành trọng điểm nông nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, mô hình quản lý ở các đơn vị này không theo kịp cơ chế thị trường cạnh tranh quốc tế và trở thành lực cản phát triển.

Khi các doanh nghiệp Nhà nước mất vai trò dẫn dắt nông nghiệp-nông dân, từ 2008 đến nay, Tây Nguyên đã thu hút làn sóng đầu tư tư nhân rất mạnh. Không thể phủ nhận một bộ phận trong số này đã đem lại những đổi thay tích cực. Tuy nhiên, phần lớn còn lại đã đem tới cho Tây Nguyên những hậu quả to lớn do cách đầu tư ăn xổi.

Thực tế này cần được rút kinh nghiệm nghiêm túc để vừa phát huy được nguồn lực của doanh nghiệp tư nhân cho phát triển nông nghiệp, vừa không tạo thêm hệ lụy cho khu vực./.

Nhóm PV/VOV-Tây Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *