(kontumtv.vn) – Ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã có sự phát triển mạnh mẽ trong gần một thập kỷ qua, đặc biệt là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh. Bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2016, đến nay, đã khẳng định được vai trò trong quá trình nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản của địa phương và đáp ứng được xu thế phát triển chung của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý Khu NNUDNC Măng Đen là 1 trong những đơn vị đầu tiên được UBND tỉnh thành lập với mục tiêu trở thành đầu tàu phát triển nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Với tổng diện tích được giao hơn 170 ha, Khu NNUDNC Măng Đen hiện có 8 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng số vốn cam kết khoảng 170 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tập trung sản xuất chủ yếu các sản phẩm rau, hoa, củ, quả xứ lạnh cao cấp cung cấp cho thị trường và sản xuất dược liệu, giống dược liệu xuất đi ngoài tỉnh. Ông Phạm Thanh, Trưởng Ban uản lý Khu NNUDCNC Măng Đen cho biết:“Trong Ban Quản lý thì hầu như tất cả các sản phẩm trong Ban đạt tiêu chuẩn thấp nhất là VietGap trở lên và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các tiêu chuẩn cao hơn như Global hoặc hữu cơ. Hiện tại thì các doanh nghiệp đều có hướng đi và Ban Quản lý thì luôn luôn khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn để phục vụ trong nước và hướng tới xuất khẩu”.

Cùng với cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, qua 5 năm, huyện Kon Plông đã thu hút được 18 doanh nghiệp phát triển NNUDCNC; khoảng 20 cá thể UDCNC vào trong sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích trên 250 ha. Ngoài ra, hạ tầng, điện, nước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo cho phát triển, chế biến sâu tại chỗ đối với các sản phẩm nông sản của địa phương trong tương lai. Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Canh tác trong nhà kính, nhà màn, UDCNC thì chi phí nhân công, chi phí các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong tầm kiểm soát, có giới hạn lại, liều lượng của nó, tiết kiệm được rất nhiều chi phí, phương pháp của nông nghiệp Kon Plông thay đổi hơn, tốt hơn so với nông nghiệp truyền thống trước đây. Và nó tạo ra thu nhập ngày càng cao trên 1 đơn vị diện tích và kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế tác động đến môi trường”.

Ông Vũ Ngọc Hà, đại diện HTX Bắc Tây Nguyên Farm cho biết, ngoài UDNDCNC trong sản xuất, việc xây dựng các mô hình thử nghiệm các loại cây trồng phù hợp, liên kết sản xuất, tìm nguồn đầu ra ổn định hay chế biến sâu các sản phẩm nông sản của địa phương là điều mà các doanh nghiệp đang chú trọng triển khai thực hiện với mục tiêu mang lại lợi ích tối đa cho cả doanh nghiệp đầu tư và chủ thể sản xuất: “Đối với HTX Bắc Tây Nguyên Farm chúng tôi khi đã triển khai cây gì thì phải có cái ổn định đầu ra cho cây đó. Thế thì hiện tại chúng tôi đang liên kết, ký kết với Trường Cao đẳng Cộng đồng để thực hiện vườn thực nghiệm, thực hành cho học sinh, sinh viên Khoa Kinh tế Nông Lâm Thủy sản thì để trồng một số loại cây chuối, rồi các loại cây khác, rồi khai thác mủ cao su bằng khí Ethylen công nghệ cao, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của Thái Lan và ký kết với UBND thành phố Kon Tum triển khai một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn”.

Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, chưa bao giờ ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum phát triển mạnh mẽ như thời gian qua. Cụ thể, diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã tiếp cận và chuyển dần sang áp dụng kỹ thuật tiên tiến đạt khoảng 8.000 ha; hình thành nên các vùng, các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các trang trại tổ chức sản xuất khép kín, ứng dụng các công nghệ hiện đại từ đầu vào đến đầu ra trong quá trình sản xuất. Đồng thời thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực lớn như Tập đoàn TH, Vingroup, Lộc Trời đầu tư vào phát triển NNUDCNC. Đây là các điều kiện tiền đề để ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phát triển NNUDCNC và nông nghiệp hữu cơ với tổng quy mô 26.000 ha. Ông Trần Văn Chương nói: “Cái thứ nhất là phối hợp với Sở KH&ĐT xây các dự án kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực phát triển NNCNC. Cái thứ hai là tiếp tục rà soát các chính sách đặc thù của địa phương để tập trung hỗ trợ phát triển NNCNC, tạo điều kiện cho các HTX xây dựng các cơ sở hạ tầng, xây dựng các cơ sở chế biến và để làm sao đó chế biến sâu các sản phẩm. Và đồng thời hướng dẫn người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn như tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn GloablGap, rồi tiêu chuẩn Organic để chúng ta đáp ứng các thị trường trong nước cũng như quốc tế”.

Có thể nói, việc phát triển NNUDCN trên địa bàn tỉnh bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng; tạo được giá trị gia tăng và khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh Kon Tum trên thị trường; xây dựng tiền đề và động lực cho ngành nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

 Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *