(kontumtv.vn) – Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, các chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện Đăk Hà đã tích cực đăng ký, xây dựng lộ trình thực hiện và phát triển thương hiệu sản phẩm. Bước đầu, mang lại những kết quả tích cực, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cho người dân.

Tháng 10/2020, sản phẩm Cà phê hữu cơ Phú Sĩ (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) của HTX Bắc Tây Nguyên farms chính thức tham gia chương trình OCOP với 3 dòng sản phẩm chính là Cà phê Natural, được sản xuất theo quy trình hữu cơ toàn phần và thu hái chọn lọc 100% quả chín; cà phê Honey được thu hái trên 95% quả chín và chế biến ướt; cà phê Robusta chọn lọc đảm bảo tỷ lệ trên 90% quả chín. Với hướng đi riêng, sản phẩm cà phê Phú Sĩ đạt tiêu chuẩn 4 sao theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP. Ông Đinh Văn Sĩ, Cơ sở sản xuất Cà phê Phú Sĩ nói: “Thứ nhất là chuỗi sản phẩm cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà rất nhiều nhưng bản thân tôi vẫn tâm đắc là đi đến tung ra thị trường sản phẩm Cà phê Phú sĩ là sản phẩm chất lượng, hoàn hảo và đạt tiêu chí sạch, an toàn. Do đó tôi đuổi theo hướng hữu cơ”.

Phát huy thế mạnh về trình độ canh tác, sản xuất của người dân, cộng với việc Cà phê Đăk Hà được cấp Chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các chủ thể sản xuất cà phê trên địa bàn huyện đã mạnh dạn hơn trong việc tham gia chương trình OCOP, với mục tiêu chính là nâng cao chuỗi giá trị sản xuất cho sản phẩm chủ lực của địa phương. Đến nay, trong số 16 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của huyện, có 13 sản phẩm là cà phê được đánh giá, xếp hạng đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao. Ông Phạm Xuân Bé, Cơ sở sản xuất Cà phê Laduvi, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà cho biết: “Được cái chứng nhận chỉ dẫn địa lý này thì rất là mừng vì nó bảo hộ cho HTX nói riêng và toàn huyện nói chung có chúng nhận địa lý rồi để đi xa hơn. Tiếp nhận những nhà đầu tư mới họ sẽ tin tưởng hơn. Riêng đơn vị của mình đã tham gia chỉ dẫn địa lý rồi thì phải làm những sản phẩm thật cẩn thận và kỹ càng để đúng thương hiệu Cà phê Đăk Hà”.

Thời gian qua, việc hình thành các mối liên kết trong sản xuất mang đến sự đa dạng về các mặt hàng nông sản trên địa bàn huyện Đăk Hà. Ngoài thế mạnh là cà phê, huyện có sản phẩm Nấm Linh chi sấy khô của HTX Cựu quân nhân xã Đăk Hring được xếp hạng 4 sao; Gạo Đài thơm 8 của HTX Vi Phú Hoàng được xếp hạng 3 sao và Cam sành của gia đình ông Nguyễn Văn Ghi ở xã Hà Mòn được xếp hạng 2 sao sau lần đầu tham gia đánh giá chất lượng. Kết quả này vừa mang tính khẳng định cho những nỗ lực của các chủ thể khi tham gia vào lộ trình nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương, vừa là động lực để các chủ thể đề ra những bước đi mang tính chiến lược, lâu dài. Ông Lê Ngọc Khanh, Cơ sở sản xuất Nấm Linh chi sấy khô, xã Đăk Hring nói: “Để sản phẩm đảm bảo được các tiêu chuẩn của OCOP thì HTX sẽ một là thường xuyên mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường. Hai là thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm. Ba là thường xuyên nâng cấp, cải tiến mẫu mã bao bì, quảng bá thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường ra các nước khác. Thị trường đầu tiên mà HTX ngắm tới là thị trường nước bạn Lào. Thứ tư nữa là tiếp tục tạo điều kiện việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ, đặc biệt là đồng bào DTTS”.

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP tại huyện Đăk Hà, kết quả đạt được đã khẳng định đây là hướng đi đúng trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn tổ chức sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phát huy lợi thế của địa phương để phát triển theo mô hình sản xuất hàng hóa, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: “Cũng phải khẳng định là chương trình đã tạo được phong trào mạnh mẽ. Thứ nhất là nó phát huy được vai trò của cộng đồng và phát triển được sản phẩm truyền thống của địa phương. Cùng với đó là nó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Đây cũng là giải pháp quan trọng để giải quyết được nhóm yếu tố sản xuất, thu nhập, giảm nghèo và giải quyết được khâu lao động. Và đến giờ thì chúng ta tiến hành nâng cao chất lượng sản phẩm để xúc tiến thương mại”.

Đối với các địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong bước đi hướng đến sự phát triển bền vững này, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể sản xuất là hết sức quan trọng để tiếp tục củng cố và duy trì vị trí, thứ hạng các sản phẩm đã có; đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản do chính mình làm ra.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *