(kontumtv.vn) – Ý kiến chuyên gia chỉ ra những điểm nghẽn với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó hiệu quả của bộ máy được cho là điểm nghẽn lớn nhất, nhưng điều đáng mừng là “phác đồ điều trị các điểm nghẽn” đang được Chính phủ triển khai.

Trong tuần này, một hội thảo quan trọng với chủ đề “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ghi nhận ý kiến từ một số thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về vấn đề động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nhận diện các điểm nghẽn

PGS. TS Trần Ngọc Anh.

PGS. TS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ), trong một tham luận với tiêu đề “phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng ở Việt Nam như thế nào” cho biết đã phân tích 8 nhóm vấn đề được các nhà hoạch định chính sách và giới nghiên cứu xem là những cản trở với tăng trưởng ở Việt Nam.

Trong đó, các điểm nghẽn tăng trưởng trước mắt nằm ở: Bộ máy hành chính kém hiệu quả và nạn tham nhũng; đất đai và bảo vệ quyền tài sản; chi phí hành chính cao và tiếp cận tài chính rất khó khăn.

“Tháo gỡ những điểm nghẽn này sẽ có tác động tích cực lớn nhất tới tăng trưởng trong ngắn hạn. Nhà nước cần phải là chủ thể chính tháo gỡ những điểm nghẽn này, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp chỉ có vai trò hỗ trợ”, ông nói.

Còn trong trung hạn, điểm nghẽn tăng trưởng nằm ở: Rủi ro kinh tế vĩ mô và các rủi ro thể chế vi mô liên quan tới thực thi hợp đồng, thuế, lao động, giấy phép kinh doanh. Tuy những vấn đề này chưa phải điểm nghẽn tăng trưởng trong hiện tại, nhưng có nguy cơ cao sẽ trở thành điểm nghẽn trong thời gian sắp tới.

Trong dài hạn, điểm nghẽn tăng trưởng nằm ở kết cấu hạ tầng và vốn nhân lực. Đây là những rào cản với nền kinh tế, nhưng không thực sự là điểm nghẽn cho tăng trưởng trước mắt. Đối với những rào cản này, vai trò của Nhà nước cần thể hiện ở việc đề ra tầm nhìn đúng đắn trong dài hạn và xây dựng được cơ chế, chính sách linh hoạt cho phép, thu hút, khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp với tư cách là chủ thể chính tháo gỡ các rào cản này. Nhà nước không nên trực tiếp đầu tư nhiều nguồn lực xử lý những rào cản này trong bối cảnh căng thẳng nguồn lực hiện nay.

Theo PGS. TS Trần Ngọc Anh, điểm nghẽn lớn nhất là hiệu quả của bộ máy và theo tính toán, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%.

Nhắc lại thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá”, TS Trần Ngọc Anh khẳng định “phác đồ điều trị điểm nghẽn” đã và đang được Chính phủ triển khai trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hành động.

Khuyến nghị xây dựng một hệ thống đánh giá hoạt động của các cơ quan nhà nước, TS Trần Ngọc Anh cũng đưa ra nhiều sáng kiến như xây dựng chỉ số phát triển doanh nghiệp (tính bằng tổng GDP do doanh nghiệp trong địa phương tạo ra hàng năm, với những ưu điểm như dễ đo, khó bị thổi phồng…)

Cùng với đó là các sáng kiến như chương trình dân chấm điểm, bệnh nhân chấm điểm…

Cần đẩy mạnh công nghiệp hóa vừa sâu vừa rộng

GS Trần Văn Thọ.

Còn theo GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản), quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam đã tiến triển một bước, thể hiện qua một số chỉ tiêu tổng hợp như sản xuất công nghiệp trong GDP, trong xuất khẩu. Là nước đi sau, Việt Nam phát triển nhanh hơn các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa thời gian qua còn nhiều vấn đề hạn chế. Việt Nam chưa tận dụng tốt lợi thế dân số vàng và là nước đi sau trong dòng thác công nghiệp hóa của khu vực. Nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào FDI và cũng chưa tạo được kết nối chặt chẽ giữa khu vực FDI với nền kinh tế trong nước. Các đối tác FDI chủ yếu là các nước công nghiệp hóa thế hệ thứ tư, thứ năm, khoảng cách phát triển không lớn. Việt Nam chủ yếu tham gia vào khâu lắp ráp, gia công, ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Những vấn đề này chủ yếu bắt nguồn từ việc nội lực của Việt Nam còn yếu kém, năng lực quản trị và thực thi còn nhiều hạn chế, đặc biệt quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường còn chậm và chưa triệt để.

Bên cạnh đó, GS Trần Văn Thọ chỉ ra 3 thách thức của trào lưu công nghiệp hóa hiện nay đối với các nước đang công nghiệp hóa như Việt Nam. Đó là cạnh tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp mới do nhu cầu giảm sau khủng hoảng toàn cầu 2008 và dư thừa năng lực sản xuất; nhiều nước ở giai đoạn thu nhập trung bình và trung bình thấp rơi vào tình trạng “thoát công nghiệp hóa còn non”; nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất công nghiệp giảm mạnh do cách mạng công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tự động hóa và mạng hóa.

Trên cơ sở đó, GS Trần Văn Thọ đã đưa ra những khuyến nghị về chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam trong giai đoạn tới. Cụ thể, thứ nhất, với một lực lượng lao động hùng hậu của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa tiến sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp mới tránh được hiện tượng bước vào thời đại hậu công nghiệp quá sớm.

Thứ hai, Việt Nam cần ưu tiên củng cố nội lực, cụ thể là tăng năng lực quản trị nhà nước và xây dựng các doanh nghiệp dân tộc ngày càng vững mạnh. Mũi đột phá là các vấn đề cải cách hành chính, cơ chế tuyển chọn cán bộ, và hoàn thiện các thị trường yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, lao động.

Thứ ba, Nhà nước phải quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập được thương hiệu riêng. Không chỉ cần tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp mà còn phải đi xa hơn, năng động hơn trong việc làm cho các doanh nghiệp dân tộc cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới.

Thứ tư, cần rà soát và lập lại chiến lược hội nhập. Song song với việc mở cửa thị trường trong các cam kết về tự do mậu dịch, phải có chiến lược nuôi dưỡng các ngành công nghiệp có tiềm năng. Mặt khác, phải thay đổi chiến lược tiếp nhận FDI và tiếp cận với công nghệ của thế giới.

Thứ năm, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt đáp ứng với nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới, và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ.

Cần tạo áp lực để cắt điều kiện kinh doanh

TS Nguyễn Đình Cung.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế có xu hướng phục hồi, sản lượng tiềm năng có xu hướng liên tục cải thiện.

Tuy nhiên, để tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần tháo bỏ ngay các vướng mắc, đẩy nhanh giải vốn đầu tư nhà nước ngay từ đầu năm, không thể để tiếp tục chậm trễ như 2 năm gần đây. Tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước.

Đối với các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ, cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bớt ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí hậu cần, giảm các chi phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc… Việc tăng lương không quá tốc độ tăng năng suất lao động theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động.

“Quan trọng là tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “mỗi năm doanh nghiệp chỉ chịu kiểm tra không quá 1 lần” và thay đổi thái độ và mục tiêu kiểm tra theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp tuân thủ đúng luật pháp thay vì chủ yếu để xử phạt doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần cải cách mạnh mẽ về hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn tối đa thời hạn, giảm phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; miễn thuế hoặc thực hiện ưu đãi thuế đối với chuyển nhượng đất nông nghiệp.

“Hiện hiệu quả của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam rất cao, thậm chí gấp tới 3 lần so với doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nếu tính theo tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội là rất cần thiết”, ông Cung phân tích.

Hà Chính/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *