Ở đây có cả trách nhiệm của địa phương và các bộ ngành liên quan trong việc thực hiện quy trình quy hoạch và tham mưu…

Hôm nay (30/10), Quốc hội nghe các báo cáo liên quan đến Kết quả rà soát quy hoạch thủy điện. Theo Báo cáo của Chính phủ đã: Loại bỏ 424 dự án; Không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; Tạm dừng có thời hạn 136 dự án; Tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.

 

Bên lề kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Trương Văn Vở – Phó trưởng đoàn Quốc hội Đồng Nai – trao đổi với báo chí về các nội dung liên quan đến quy hoạch thủy điện thời gian qua.

PV: Ông có ý kiến gì về việc quy hoạch và phát triển thủy điện thời gian qua?

Ông Trương Văn Vở: Chúng tôi rất mừng vì sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ (CP) trong việc điều hành và phát triển mạnh lưới điện Quốc gia nói chung, vấn đề thủy điện nói riêng. Tôi cho rằng, chỉ đạo của CP vừa qua là một quyết tâm nỗ lực rất lớn. Phải nói tới giờ phút này, chỉ đạo của CP tới các bộ, ngành về việc rà soát lại thủy điện, trong đó có 6 dự án thủy điện bậc thang và 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6a được quan tâm từ lâu.

Từ khi Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh các dự án công trình quan trọng quốc gia, liên quan đến sử dụng đất rừng. Rất tiếc, nghị quyết Chính phủ lại quyết quy hoạch các dự án thủy điện Quốc gia trong đó có dự án thủy điện bậc thang và đặc biệt có 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6a chiếm diện tích rừng rất lớn. Với các dự án thủy điện này chưa thực hiện quy trình thủ tục để xin chủ trương đầu tư mà cho đầu tư.

Theo tôi, xung quanh việc quy hoạch thủy điện có 3 vi phạm lớn: Vi phạm về quy trình quy hoạch; vi phạm về luật (vi phạm Nghị quyết 49 của Quốc hội – 2010, sau đó 1 năm, CP lại bổ sung điều chỉnh quy hoạch); vi phạm về luật bảo vệ môi trường.

PV: Ông bình luận gì về cách làm này?

Ông Trương Văn Vở: Những người thực hiện dự án mới chỉ tính một mặt lợi ích kinh tế mà không tính đến lợi ích về môi trường xã hội. Chung quanh điều chỉnh quy hoạch thủy điện CP trình QH cho nghị quyết kỳ này, tôi cho rằng phải làm rõ trách nhiệm trong thực hiện quy trình quy hoạch. Ở đây tôi xác định trách nhiệm có cả của địa phương và các bộ ngành liên quan.

Phải làm rõ chủ thể trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình quy hoạch. Chỉ rõ trách nhiệm cụ thể chủ thể trách nhiệm trong quá trình làm tham mưu cho CP bổ sung 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6a, kể cả 6 dự án Thủy điện bậc thang. Phải nói rằng dự án thủy điện bậc thang rất quan trọng, ảnh hưởng khu vực sông Đồng Nai vùng hạ lưu. Trong nghị quyết QH lần này, tôi đề nghị quan tâm đến việc xác định diện tích đất rừng bị mất do thủy điện và trách nhiệm đó thuộc về ai. Từ đó tránh hệ lụy sau này phải tái lập thủy điện làm không đúng quy trình quy hoạch.

PV: Trong quy định về thủy điện, các nhà đầu tư khi lấy một mét rừng phải trồng bù lại mét rừng. Theo ông, trong quá trình làm thủy điện thì việc này được thực hiện như thế nào?

Ông Trương Văn Vở: Theo tôi, rừng tự nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy hoạch quản lý phát triển và bảo vệ rừng. Nói chung là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và vườn quốc gia phải được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Đụng tới diện tích đất rừng đó thì cần phải xem xét, cẩn trọng trong quá trình lập quy hoạch. Tôi được biết, CP đã loại ra trên 400 dự án thủy điện, trong đó có 6 dự án thủy điện bậc thang và trong đó có 2 dự án Đồng Nai 6 và 6a. Diện tích rừng để nhường cho các dự án thủy điện loại khỏi quy hoạch là bao nhiêu? Việc loại khỏi quy hoạch đó có mất rừng không và biện pháp thay thế số diện tích rừng mất đi như thế nào? Tôi đề nghị CP cần làm rõ và Quốc hội nên đưa rõ trong Nghị quyết vấn đề này để xem xét trách nhiệm.

PV: Vấn đề làm thủy điện ở nước ta câu chuyện xả lũ rất khủng khiếp. Ông thấy quy trình và quy định hiện nay liên quan đến lĩnh vực này đã đủ mạnh để bảo vệ người dân thoát lũ?

Ông Trương Văn Vở: Điều đáng mừng là CP sớm có quyết định 1879 (10/2010) giao cho Bộ Tài nguyên- Môi trường xây dựng quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ thủy lợi giữa hồ thủy lợi và hồ thủy điện. Tới giờ này, tôi cho rằng việc triển khai của các ngành liên quan vẫn còn chậm. Mới chỉ ban hành được quy trình vận hành chứa 5/11 lưu vực sông, mà theo báo cáo CP từ nay đến cuối năm thêm 4 lưu vực sông nữa. Tôi chưa hiểu đối với lưu vực sông Đồng Nai là lưu vực sông bậc thang sẽ làm theo cách nào vì vẫn chưa được quan tâm xác định làm sớm quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi cũng như thủy điện, hồ thủy điện trên thượng nguồn. Tôi đề nghị CP và các bộ ngành cần quan tâm vấn đề này.

PV: Báo cáo thẩm tra của Quốc hội đưa ra một lượng lớn các hồ đập thủy điện không an toàn, thực tế tình trạng vỡ hồ, đập thủy điện đã xảy ra nhiều. Theo ông, việc quản lý hồ đập của ta đang bị buông lỏng?

Ông Trương Văn Vở: Tôi cho rằng, khâu đầu tiên cần phải rà soát lại việc thực hiện theo chỉ đạo của CP về quy trình vận hành hồ và hồ chứa. Tiếp theo, cần phải gắn với trách nhiệm của từng chủ thể ngành và địa phương trong quá trình vận hành hồ chứa, đồng thời có chế định về xử lý vi phạm cho nghiêm minh. Phải có chế tài, chế định xử lý vi phạm rõ ràng, cụ thể. Cần xử lý vi phạm mạnh mẽ, nghiêm minh hơn và xác định rõ chủ thể trách nhiệm trong việc ban hành quy trình vận hành hồ chứa. Tuy đã ban hành, nhưng phải rà soát lại cho cụ thể, từ đó xác định rõ trách nhiệm.

PV: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói sẽ rà soát loại bỏ hơn 400 thủy điện và tiến tới trong kỳ họp QH này sẽ tiếp tục rà soát loại bỏ tiếp, theo ông việc này cần thiết như thế nào?

Ông Trương Văn Vở: Vấn đề rà soát là cần phải thực hiện đúng quy trình quy hoạch, quan trọng là gắn với công tác quy hoạch, quản lý bảo vệ phát triển rừng và đất rừng và điều đó rất quan trọng. Ngoài dự án thủy điện còn nhiều dự án kinh tế khác liên quan đến quản lý và bảo vệ đất rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và vườn quốc gia. Theo tôi QH ban hành Nghị quyết lần này cần làm rõ trách nhiệm và xác định trách nhiệm để khi thực hiện quy hoạch thủy điện phải tính đến các yếu tố này.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình): Loại 400 thủy điện là hậu quả của một phong trào

 

Đây là hậu quả một thời kỳ rộ lên phong trào làm thủy điện. Khi đó, nhu cầu điện đang có nguy cơ thiếu, trái đất nóng lên, sản xuất kinh doanh thì đang phát triển mạnh. Nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh rất là thiếu. Các DN thì hy vọng đầu tư vào thủy điện sẽ đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, công tác quy hoạch khi đó làm chưa được đầy đủ. Vì thế, số DN tham gia làm thủy điện nhiều, có những công trình đạt chất lượng nhưng cũng có nhiều công trình không đạt chất lượng. Bây giờ, yếu tố đầu tiên là phải an toàn, đảm bảo chất lượng và đảm bảo môi trường, cũng như các quy định. Vì thế, việc rà soát thủy điện để đảm bảo các yếu tố theo quy định, như môi trường, xã hội, năng lượng, phù hợp tình hình thực tế thì để lại. Những dự án nào không phù hợp các tiêu chí như quy định thì khép lại, để tập trung cho những dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội

Các Đại biểu mong muốn chúng ta đánh giá và rút kinh nghiệm. Về phía các cơ quan có trách nhiệm quản lý phải có những tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để sau này không còn xảy ra tình trạng như vậy.


Vũ Hạnh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *