(kontumtv.vn) – Thông qua các mô hình kinh tế, khởi sự, khởi nghiệp, các tầng lớp phụ nữ đang ngày càng khẳng định được vị thế, khả năng và sự sáng tạo của mình. Những hoạt động phát triển kinh tế đó đã cải thiện thu nhập cho hộ gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương đạt chất lượng và hiệu quả.

Với mong muốn gìn giữ lại các món ăn truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng, chị Y Chon, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi đã mạnh dạn đầu tư, liên kết với chị em hội viên toàn xã cùng tham gia phát triển sản phẩm thịt heo gác bếp và rượu ghè men lá. Đến nay, 2 sản phẩm này đã được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Chị Y Chon, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục chia sẻ: “Trong quá trình tham gia sản phẩm OCOP thì cá nhân tôi cũng đón nhận sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là các chị Hội LHPN tỉnh, Trung ương hỗ trợ trong các vấn đề nguồn vốn, cũng như làm hỗ trợ trong quá trình làm thủ tục hồ sơ. Đặc biệt là hỗ trợ các mô hình chăn nuôi cho chị em. Trong quá trình tham gia như vậy thì chị em Hội LHPN trên địa bàn xã tham gia rất là nhiệt tình. Nói chung là sau một thời gian hoạt động như vậy thì các sản phẩm mà đạt chuẩn OCOP cơ bản đã được các thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận rất là cao.”

Phát triển kinh tế tập thể và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, năm 2019, UBND xã Đăk Dục đã thành lập HTX Dục Nông do chị em phụ nữ quản lý, tham gia phát triển sản phẩm OCOP của địa phương. HTX bao gồm 7 thành viên và có sự liên kết với các chị em hội viên chăn nuôi heo; trồng lúa trên toàn xã để giải quyết đầu ra cho nông sản và xây dựng chuỗi sản xuất. Trước kia, chị Y Thênh ở thôn Dục Nhầy 1 là một hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn, không biết làm thế nào để làm giàu, để thoát nghèo. Từ khi tham gia các mô hình của tỉnh, huyện và HTX Dục Nông, gia đình chị Y Thênh đã ổn định về kinh tế và đã thoát nghèo từ năm 2021.

Ông Bloong Hâm – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết: “Khi mà HTX Dục Nông được hình thành với thương hiệu là 2 sản phẩm OCOP được chứng nhận và được đưa ra thị trường để trao đổi mua bán. Từ đó đã tạo thương hiệu để liên kết trong chuỗi sản xuất và chăn nuôi ở 9/9 chi hội trên địa bàn xã, tạo nên thu nhập và góp phần trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.”

Không chỉ tham gia phát triển kinh tế để cải thiện thu nhập, phụ nữ tỉnh Kon Tum đã và đang khẳng định được khả năng của bản thân trong đầu tư, kinh doanh và chế biến sâu. Từ các sản phẩm đặc trưng của địa phương, chị Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên đã mạnh dạn liên kết, hợp tác với các HTX phát triển dược liệu trên địa bàn huyện Đăk Tô để xây dựng vùng nguyên liệu, vận hành dây chuyền sản xuất, mở rộng và tìm kiếm thị trường cũng như nâng cao chuỗi giá trị với các sản phẩm dược liệu, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Theo chị Lương Thị Mỹ Huệ, tỉnh Kon Tum rất phù hợp phát triển cây dược liệu. Hiện tại, các nhà đầu tư đang bắt đầu tập trung vào đầu tư để sản xuất dược liệu tại tỉnh Kon Tum và các loại cây trồng khác rất nhiều.

Với mục tiêu nâng cao vị thế của các tầng lớp phụ nữ, ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” do Hội LHPN Việt Nam đề xuất. Qua 4 năm triển khai Đề án, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; 30 ý tưởng được thực hiện hóa và thành lập được 60 tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX với tổng số tiền đã hỗ trợ hơn 41 tỷ đồng. Đồng thời, đã có 10 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ Kon Tum đạt giải tại các cuộc thi do TW Hội tổ chức. Bà Y Phương – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Hội LHPN tỉnh tiếp tục có các kế hoạch, chương trình triển khai cho các cấp Hội tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan, để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch trong đề án đã đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, tổ chức tư vấn, hỗ trợ 5 doanh nghiệp do nữ làm chủ và cũng sẽ tổ chức nhân rộng các mô hình này ở trên địa bàn các huyện, thành phố. Huy động thêm các nguồn lực để hỗ trợ thêm cho phụ nữ tập trung cho phát triển kinh tế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án.”

Chiếm hơn 48% lực lượng lao động xã hội của toàn tỉnh, thời gian qua, các tầng lớp phụ nữ đã không ngừng phát huy vai trò, khả năng và khẳng định địa vị kinh tế của bản thân trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chị em phụ nữ đã tích cực tham gia lao động sản xuất, mạnh dạn phát triển kinh tế gắn với các tiến bộ khoa học kỹ thuật; từ đó cùng với các cấp ngành, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần vào mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Kon Tum./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *