(kontumtv.vn) – Thời gian qua, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, nhiều hộ người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Đăk Hà đã quan tâm đầu tư làm chuồng trại kiên cố để phát triển chăn nuôi quy mô hộ gia đình theo hướng bền vững. Nhờ đó, chủ động được công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn thay cho thói quen chăn thả như trước kia.

Trước đây, cũng giống như các hộ DTTS khác tại thôn Đăk Tiêng K’Lah, xã Đăk La, chị Y Piêng thường chăn thả trâu bò trên rẫy. Thói quen chăn nuôi này khiến chị khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, vừa không chủ động được nguồn thức ăn khi kết thúc mùa mưa. Chưa kể việc thả rông gia súc gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2021, khi địa phương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bài DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, chị cùng nhiều hộ gia đình trong thôn tận dụng những thửa đất bồi ven suối và diện tích quanh vườn để trồng cỏ. Đồng thời tận dụng cây bời lời đã khai thác và tre, nứa quanh vùng làm chuồng trại hợp vệ sinh để phát triển chăn nuôi. Chị Y Piêng chia sẻ kinh nghiệm: Khi mình trồng cỏ cho bò thì mình chủ động được cái nguồn thức ăn cho bò, không phải đi chăn thả trên ruộng, trên rừng. Có cỏ trồng được thì mình cũng không phải lo mùa nng hay mùa mưa vì lúc nào cũng có cỏ cho bò ăn. Rồi dọn dẹp sạch sẽ chuồng để bảo vệ đàn bò. Mưa nắng cũng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của bò. Rồi mình cũng tận dụng nguồn phân chuồng để bón cho các loại cây trồng như Cà phê, lúa và trồng rau sạch nữa”.

Nằm cách trung tâm xã Đăk La hơn 10km, thôn Đăk Tiêng K’Lah hiện có 224 hộ người DTTS, với tổng diện tích sản xuất 240 hecta. Vì chưa biết cách khai thác thế mạnh nông nghiệp để tạo việc làm và thu nhập ổn định nên trên 300 nhân khẩu đã chọn cách đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Hai năm trở lại đây, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã vận động bà con tận dụng mọi lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vừa cải thiện cuộc sống hàng ngày, vừa mở hướng phát triển kinh tế. Đến nay, thôn có 100% hộ chăn nuôi làm chuồng trại hợp vệ sinh; 100% hộ biết tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi để chăm bón cho các loại cây trồng. Từ đó tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM được nâng cao hơn. Anh A Nhin – Thôn trưởng thôn Đăk Tiêng K’Lah, xã Đăk La, huyện Đăk Hà cho biết: “Ban quản lý thôn đã tuyên truyền, vận động để bà con trong thôn biết tận dụng các diện tích đất bờ lô bờ thưa, cải tạo đất vườn tạp để trồng cỏ và tận dụng rơm rạ sau mùa gặt nuôi bò, nuôi dê. Khi bà con họ thấy cái lợi ích mang lại thì họ tự giác triển học hỏi nhau để làm để có kinh tế khá hơn. Rồi việc chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh cũng được bà con thực hiện tốt để đảm bảo xây dựng môi trường khu dân cư xanh – sạch – đẹp, góp phần xây dựng Nông thôn mới trong vùng DTTS”.

Xác định việc phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững là giải pháp quan trọng nhằm đồng hành cùng người DTTS trong phát triển kinh tế – xã hội, từ năm 2021 đến nay huyện Đăk Hà đã triển khai hỗ trợ gần 900 triệu đồng và huy động trên 300 triệu đồng từ các tổ chức đoàn thể, xã hội để hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi; vận động, hướng dẫn các hộ làm chuồng nuôi thỏ, nuôi bò, dê…  Qua đó, giúp cho trên 1.600 hộ người DTTS có điều kiện xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô hộ gia đình gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, có nhiều hộ bước đầu có thu nhập khá, vừa đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, vừa có điều kiện tái đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.  Ông A Bốn – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà nói: “Bây giờ người dân đã có sự bàn bạc, thống nhất để đưa ra các mô hình phát triển để phát triển và nâng cao cách nghĩ, cách làm, có nhiều mô hình để người dân học tập, làm theo từ đó người dân đã ý thức được”.

Theo ông Đặng Đình Hương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, trước đây bà con chủ yếu chăn nuôi theo hướng chăn thả, vừa không có hiệu quả vừa gây ô nhiễm môi trường. Từ khi triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bài DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, hội và các tổ chức đoàn thể đã xuống tận nơi tuyên truyền, vận động, chọn các gia đình làm điểm để hỗ trợ về kỹ thuật, con giống. Từ đó thì các hộ rất phấn khởi và đã có sự thay đổi trong tư duy để thực hiện hiệu quả các mô hình này.

Trên thực tế, phát triển chăn nuôi bền vững đã và đang được đẩy mạnh trong quá trình trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói chung, trong vùng DTTS nói riêng. Tại huyện Đăk Hà, các hoạt động hỗ trợ, đồng hành giúp người DTTS phát triển chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn hơn, bền vững hơn sẽ tiếp thêm động lực để người DTTS phát huy tinh thần tự giác, nêu cao vai trò trách nhiệm trong tham gia phát triển KT – XH, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Qua đó, đưa Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đi vào thực tiễn./.

  Trọng Nghĩa

Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Đăk Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *