(kontumtv.vn) – Phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh là một trong những nhiệm vụ chủ yếu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, lượng khách du lịch đến tỉnh Kon Tum đạt khoảng 2,5 triệu lượt người. Với một mục tiêu cụ thể và những giải pháp trọng tâm đã chỉ rõ trong Nghị quyết, đây sẽ là cơ hội thúc đẩy du lịch Kon Tum phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum có 5 thôn, làng với 850 hộ, hơn 4 ngàn nhân khẩu; trong đó hơn 93% bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là địa phương có lợi thế 5 làng dân tộc thiểu số nằm liền kề nhau với nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Ba Na hiện còn bảo tồn, lưu giữ đến ngày nay. Những điều kiện thuận lợi này giúp xã Đăk Rơ Wa từng bước phát triển loại hình du lịch cộng đồng để tăng thu nhập cho bà con. Thời điểm này, cùng với Kon Kơ Tu đã được UBND tỉnh công nhận là Làng du lịch cộng đồng, làng Kon Jơ Ri đang tiếp tục được chính quyền địa phương xây dựng đề án phát triển du lịch. Đây chính là cơ hội để người dân xã Đăk Rơ Wa cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ông A Đưn, thôn trưởng Kon Kơ Tu chia sẻ: “Trước hết là vận động các hộ nghệ nhân phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc của mình và giữ gìn, bảo tồn các văn hóa như nhà truyền thống của dân tộc để thu hút khách du lịch đến tham quan làng du lịch Kon Kơ Tu. Rồi vận động bà con nhân dân tiếp tục phát triển ngành dệt thổ cẩm, đan lát để có sản phẩm bán cho khách du lịch đến tham quan để mà phát triển ngành du lịch, tăng thêm thu nhập của các gia đình.”

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI đã chỉ rõ những giải pháp để bảo tồn hiệu quả văn hóa dân gian. Trong đó, xác định bảo tồn phải gắn với phát huy, giữ gìn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nguồn thu nhập từ du lịch vừa là động lực, vừa là điều kiện để nghệ nhân và bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn ổn định cuộc sống, qua đó, tiếp tục duy trì hoạt động bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân gian. Cưới nhau từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Y Thúy ở làng Kon Kơ Tu cố gắng làm việc, từ làm thuê đến làm nương làm rẫy để phát triển kinh tế. Từ khi vợ chồng chị Y Thúy chuyển sang làm du lịch, cuộc sống của gia đình anh chị đã thay đổi rất nhiều. Chị Y Thúy cho hay: “Gia đình sửa chữa nhà sạch đẹp hơn, đầy đủ như chiếu màn để phục vụ khách với lại tuyên truyền cho bà con phải sạch sẽ trong sân, trong làng, ngõ xóm để cùng bà con trong làng cùng đan lát, dệt vải để khách du lịch lên đây mua.”

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có 10 điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó, huyện Kon Plông có 6 điểm du lịch, nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Việc công nhận điểm du lịch cấp tỉnh giúp mở ra cơ hội để phát triển mô hình du lịch và đa dạng hơn nữa các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Tỉnh Kon Tum có trên 140 đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú với gần 2.100 phòng. Hiện 9 công ty kinh doanh lữ hành đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó, 3 công ty lữ hành quốc tế và 6 công ty lữ hành nội địa. 6 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách du lịch đến tỉnh Kon Tum giảm sút so với cùng kỳ các năm trước. Tổng doanh thu du lịch toàn ngành trong quý I, quý II ước trên 180 tỷ đồng, đạt gần 40% kế hoạch giao. Để đảm bảo cho phát triển bền vững và lâu dài, anh Phạm Doãn Tùng, Quản lý Khách sạn Bạch Dương, Công ty TNHH Bạch Dương Măng Đen đề xuất: Đối với chính quyền địa phương, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ cần có những chiến lược, bước đi vững chắc hơn. Bước đi vững chắc nằm ở khâu chất lượng dịch vụ, đội ngũ làm du lịch tốt hơn. Cơ quan nhà nước cũng cần tạo cơ chế thông thoáng hơn,  tạo môi trường cho người làm du lịch có cơ hội được tiếp cận, đào tạo, trao đổi kỹ năng để hướng đến phát triển du lịch.”

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI chỉ ra, cần đẩy mạnh triển khai các đề án, chương trình nhằm đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Việc quy hoạch làng văn hóa du lịch cộng đồng, triển khai phục dựng, duy trì lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điểm nhấn du lịch thông qua các tuần văn hóa tổ chức tại địa phương là những giải pháp căn cơ, có tính hiệu quả về lâu về dài. Cùng với đó, tăng cường hoạt động quảng bá, truyền thông trong lĩnh vực du lịch có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển du lịch trên địa bàn./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *