(kontumtv.vn) – Gắn với dự án Rừng – rẫy – ruộng, mô hình trồng cây ăn quả đã được thực hiện thí điểm trên địa bàn xã Pờ Ê, huyện Kon Plông. Sau 2 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả bước đầu và quan trọng nhất là thay đổi tư duy của bà con trong làm ăn phát triển kinh tế.

Anh A Thấp là người đầu tiên ở thôn Vi Pờ Ê tham gia mô hình trồng cây ăn quả của xã Pờ Ê. Sau khi được Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng Cendi và Viện Tư vấn phát triển Hà Nội Code hỗ trợ đi tập huấn, tham quan các vườn cây ăn quả ở một số tỉnh phía Bắc, năm 2020 anh bắt đầu chuyển đổi dần diện tích rẫy mì kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến nay, anh đã chuyển đổi hơn 2,5 ha sang trồng ổi, cam, đào, hồng, quýt, mận…Hiện tại, vườn ổi của gia đình anh A Thấp đang thu quả bói và bước đầu có nguồn thu cải thiện cuộc sống.

Ông A Xắp, Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Ê, huyện Kon Plông cho biết, từ 1 hộ dân ban đầu, đến nay xã Pờ Ê có 21 hộ tham gia mô hình nâng tổng diện tích lên 10 ha so với kế hoạch huyện giao gần 30 ha. Trong đó, người dân được Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng Cendi và Viện Tư vấn phát triển Hà Nội Code tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây ăn quả gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao kiến thức và kỹ năng của bà con trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ông A Xắp cho hay: “Trước kia, bà con trong xã Pờ Ê trồng cây mì chủ yếu, trồng xong rồi bỏ đó không biết chăm sóc. Bây giờ, từ khi trồng cây ăn quả thì người dân biết ủ phân, rồi bón phân… Đây cũng là nhận thức của người dân trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người ĐBDTTS của xã Pờ Ê. Trong thời gian tới, xã sẽ định hướng xây dựng thành một sản phẩm OCOP của xã về trái cây.”

Với mục tiêu chuyển đổi diện tích rẫy mì kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế bền vững, Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng Cendi đã cùng với Viện Tư vấn phát triển Hà Nội Code hỗ trợ vườn trồng đa dạng các loại cây ăn quả tại xã Pờ Ê từ năm 2019. Đây là giải pháp tạo sinh kế bền vững ngoài sản xuất ruộng lúa 1 vụ của người dân, hướng tới phục hồi và phát triển hệ thống canh tác Rừng – rẫy – ruộng của bà con người ĐTTS cũng như phục hồi sức sản xuất của đất. Theo ông Lê Văn Ka, đại diện Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng CENDI tại Kon Tum, rẫy là nơi mà nâng cao đời sống kinh tế của bà con. Bởi vậy, Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng CENDI bắt đầu tập trung cùng với bà con thử nghiệm trên rẫy, trồng các loại cây vừa bản địa, vừa là các loại cây ăn quả. Bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Năm 2013, UBND tỉnh có chủ trương cho Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng Cendi và Viện Tư vấn phát triển Hà Nội Code thực hiện kế hoạch phát triển không gian văn hóa rừng và đất rừng của cộng đồng người DTTS trên địa bàn huyện Kon Plông. Trong đó có mô hình chuyển đổi đất rẫy bạc màu sang trồng cây ăn quả tại xã Pờ Ê. Rừng – rẫy – ruộng là phương thức canh tác truyền thống của các DTTS Tây Nguyên. Vậy nên, việc xây dựng các mô hình sinh kế tại các vùng DTTS sống gần rừng như mô hình cây ăn quả không chỉ góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn bảo vệ tài nguyên đất rừng, bảo tồn hình thức sản xuất nông nghiệp đặc trưng của người DTTS ở huyện Kon Plông./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *