(kontumtv.vn) – Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình người DTTS trên địa bàn huyện Đăk Glei đã mạnh dạn ứng dụng việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH), không sử dụng thức ăn công nghiệp. Ngoài được hỗ trợ kỹ thuật, chăn nuôi theo phương thức này người dân tận dụng được thức ăn sẵn có trong tự nhiên và vườn nhà nên tiết kiệm chi phí. Hiện nay, số lượng đàn gia súc ngày một tăng, giúp bà con phát triển kinh tế hiệu quả.  

Trước đây gia đình gia đình chị Y Dinh tại làng Đăk Wăk, xã Đăk Roong nuôi theo phương thức đơn giản nên heo dễ bị dịch bệnh. Từ khi chương trình khuyến nông huyện hỗ trợ 2 con giống, hướng dẫn chăn nuôi heo sinh sản theo hướng ATSH, đến nay gia đình có tổng đàn hơn 10 con. Chị Y Dinh cho hay: “Họ quan tâm cho con heo này nuôi tốt, mấy năm đây thấy dễ nuôi , do gia đình không có điều kiện cho nó ăn rau ăn chuối thôi, con heo này nhanh lớn mà, đâu có bị đau bị ốm cái gì.”

Cũng như gia đình chị Y Dinh, gia đình anh A Thái ở thôn Đăk Tu, xã Đăk Long thay đổi mô hình nuôi heo trước đây sang nuôi heo sinh sản theo hướng ATSH. Từ 2 con giống được hỗ trợ ban đầu, sau hơn 1 năm chăn nuôi đàn heo đã phát triển lên 12 con. Anh A Thái cho biết theo giá cả thị trường hiện nay thì khả năng xuất 1 lứa heo được hơn 30 triệu đồng, 1 năm xuất 2 lứa heo được khoảng 60 triệu đồng.

Năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Glei triển khai nuôi heo ATSH ở 02 xã Đăk Kroong và Đăk Long, với số lượng 20 con heo giống hỗ trợ cho 10 hộ gia đình nuôi thí điểm. Đến nay, số lượng đàn tăng lên gần 200 con. Hàng tháng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Glei thường xuyên cử cán bộ, xuống thăm nom, hướng dẫn chuyên môn kĩ thuật cho các hộ dân chăn nuôi theo quy trình sinh học, cách phòng ngừa ký sinh trùng, định kì tiêm phòng vắc xin. Các mô hình mang lại hiệu quả đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thu hút người dân quan tâm đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi. Ông Nguyễn Tấn Tài – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Glei cho biết thêm: “Đến thời điểm này thì các hộ  đã áp dụng và làm theo rất chi là nhiề , đặc biệt là các xã Đăk Kroong và Đăk Long. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu Ủy ban huyện chỉ đạo, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, đồng thời cũng tham mưu huyện tổ chức các lớp tập huấn  về chăn nuôi ATSH cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện.”

Việc áp dụng mô hình nuôi heo theo hướng ATSH không những từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển KT-XH của địa phương mà còn tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt hằng ngày, hướng đến phát triển  chăn nuôi mang tính bền vững tạo ra sản phẩm an toàn cung ứng cho thị trường./.

CTV  A Lộc – Nguyễn Tú

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *