(kontumtv.vn) – Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về tác động của cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết chúng ta đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án và biện pháp cần thiết để bảo đảm nền kinh tế tiếp tục phát triển, trong đó phải hết sức cảnh giác việc hàng hóa các nước có thể thông qua Việt Nam để xuất khẩu đến các thị trường khác.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sáng 6/6, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, trong đó có quan điểm của Việt Nam về cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung, vấn đề Biển Đông…
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về tác động của cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đây là quan tâm không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của tất cả các nước, bởi cuộc cạnh tranh này tác động đến kinh tế thế giới và khu vực.
Phó Thủ tướng cho biết, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá nếu “cuộc chiến” này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hướng tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới có thể giảm từ mức 3,5% xuống còn 3,2%.
Đối với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn, bất cứ một tác động nào của kinh tế, thương mại thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam.
Ngay trong năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và đã thành lập ban chỉ đạo để nghiên cứu, đánh giá tình hình và kiến nghị chính sách.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án và biện pháp cần thiết để bảo đảm nền kinh tế của chúng ta tiếp tục phát triển; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, linh hoạt tỷ giá; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tình hình hiện nay cũng đang mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2019, đầu tư nước ngoài tăng nhưng đây cũng là thời điểm chúng ta cần có chọn lọc đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, lựa chọn chất lượng, bảo vệ môi trường.
Chúng ta phải hết sức cảnh giác việc hàng hóa có thể thông qua Việt Nam để xuất khẩu đến các thị trường khác.
Đối với thực trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc nhưng mang nhãn, mác Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết trong thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như nền kinh tế nước ta.
Trong thời gian tới, việc kiểm soát các khu vực cửa khẩu biên giới sẽ được tăng cường, không để hàng hóa nước ngoài gắn mác Việt Nam thẩm lậu; tăng cường kiểm tra các kho, bến bãi, địa điểm kinh doanh; xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh, phân phối hàng hóa giả mạo.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp không bao che, tiếp tay; chủ động tham gia tố giác các hành vi vi phạm, xâm phạm đến thương hiệu Việt Nam và quyền lợi người tiêu dùng.
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án chống gian lận xuất xứ, có đánh giá toàn diện và đề xuất với Chính phủ những biện pháp hữu hiệu, trong đó việc xử lý các hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng tăng nặng hình phạt.
CPTPP phát huy tác dụng với nền kinh tế
Về giải pháp phát huy hiệu quả cơ hội to lớn của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, nhất là Hiệp định CPTPP, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện khi Hiệp định, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện CPTPP. Cho đến nay, đã có 21 bộ ngành, 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP.
Chính phủ cũng đang xây dựng, sửa đổi 8 luật liên quan đến việc thực hiện cam kết CPTPP; 4 nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều của các Luật: Cạnh tranh, Sở hữu trí tuệ, Quản lý ngoại thương, An toàn thực phẩm…
Trong 4-5 tháng qua, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên CPTTP đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, như với Canada tăng tới 70%, Mexico tăng hơn 80%, với Nhật Bản tăng 4%. Điều đó cho thấy CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp phải tận dụng các cơ hội của Hiệp định để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường thành viên.
Ngoài ra, CPTPP là FTA thế hệ mới, có nhiều đòi hỏi và tiêu chuẩn cao, đem lại nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Ngay với lĩnh vực dệt may mà Việt Nam có thế mạnh thì cần đảm bảo chặt chẽ tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hoá thì mới có thể tận dụng được những ưu đãi về thuế trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, CPTPP có điều khoản cho phép doanh nghiệp có thể khởi kiện Chính phủ, do đó đòi hỏi phải thực hiện đúng các quy định của CPTPP.
Phó Thủ tướng Bình Minh cho biết Chính phủ sẽ đẩy nhanh công tác hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý; nâng cao hiệu quả tuyên truyền các cam kết của Việt Nam và cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân ODA
Về nguyên nhân chậm giải ngân vốn ODA, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ nguyên nhân của tình trạng trên là nguồn vốn đối ứng chưa được bố trí kịp thời.
Bên cạnh đó, một số dự án giải ngân chậm do quá trình chuẩn bị dự án kéo dài, nhất là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn cho các dự án giao thông chiếm tới 50% vốn ODA. Ngoài ra, năng lực của một số Ban quản lý dự án còn hạn chế.
Theo Phó Thủ tướng, khó khăn, vướng mắc lớn nhất với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng là công tác giải phóng mặt bằng, làm giảm hiệu quả của sử dụng vốn ODA.
Tăng cường quảng bá văn hóa
Về chủ trương đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế về văn hóa cũng như hỗ trợ, quảng bá xúc tiến du lịch, Phó Thủ tướng khẳng định hội nhập văn hoá là chủ trương quan trọng bên cạnh hội nhập trên hai trụ cột khác là kinh tế, chính trị.
Về ngoại giao văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Chiến lược về ngoại giao văn hóa đến năm 2020, trong đó nêu định hướng tổ chức quảng bá văn hoá của Việt Nam ở nước ngoài thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay việc tổ chức những “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” để quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Cho đến nay, Việt Nam đã có 38 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và là một trong những nước có nhiều di sản được công nhận. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục vận động UNESCO công nhận các di sản văn hoá của Việt Nam.
Chúng ta cũng đã tăng cường quảng bá nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế nhân dịp các sự kiện lớn của khu vực và quốc tế tổ chức tại Việt Nam, như Năm APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều vừa qua.
Về quảng bá du lịch, ngoài các nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, 96 cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài còn có nhiệm vụ quảng bá văn hóa, du lịch. Trong quá trình triển khai quảng bá, chú trọng thu hút, huy động tối đa các nguồn xã hội hoá.
Chú trọng các vấn đề an sinh
Liên quan đến chính sách đối với khu vực miền núi, dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng cho biết hiện nay có 118 chương trình, chính sách đang được triển khai, trong đó có 54 chính sách trực tiếp, 21 chương trình mục tiêu tác động gián tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Khó khăn hiện nay là một số chương trình chưa bố trí được đầy đủ nguồn lực thực hiện; tình trạng thiếu đất sản xuất và nước sạch chưa được quan tâm giải quyết thấu đáo; tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số còn cao, khoảng cách giàu nghèo có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng di cư tự do.
Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng trực tiếp tham gia để tìm cách tháo gỡ; trình Quốc hội quyết định việc phân bổ 1.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn đến năm 2020; phân bổ 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương phòng chống thiên tai, di dời khẩn cấp dân cư ra ngoài khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét.
Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo về nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án bồi thường, tái định cư cho đồng bào thiểu số tại 4 tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên; giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, xây dựng đề án tổng thể về đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030.
Việt Nam nêu rõ quan điểm về việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong
Về nguy cơ thiếu nước ngọt tại Đồng Bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà máy thủy điện ở thượng nguồn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hiện Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan đều nằm trong Ủy hội Mekong quốc tế. Ủy hội quy định các dự án thuỷ điện trên dòng chính cần có tham khảo của các nước thành viên trong Uỷ hội.
Trong thời gian qua, các dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đều có tham vấn. Việt Nam luôn yêu cầu có đánh giá tác động môi trường để bảo đảm tính bền vững của dòng Mekong vì Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Việt Nam cũng đã đưa ra yêu cầu sử dụng bền vững nguồn nước Mekong trong cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương với Trung Quốc.
Trong đợt hạn hán năm 2017, Việt Nam đã đề nghị các nước thượng nguồn, trong đó có Trung Quốc, Lào, xả đập thủy điện để tăng nguồn nước cho Đồng bằng sông Cửu Long và các nước đã hợp tác.
Như vậy, qua các cơ chế hợp tác tiểu khu vực, khu vực, Việt Nam đã nêu rõ quan điểm về việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền trên biển đảo
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định lập trường là Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của đất nước tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Quan điểm của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền trên biển đảo. Việt Nam cũng chủ trương giải quyết tranh chấp phải bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, và không làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.
Thời gian qua, các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên biển vẫn diễn ra, các lực lượng chức năng tăng cường bảo vệ cho các hoạt động kinh tế trên biển cũng như ngư dân.
Chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm đối với chủ quyền biển đảo thông qua các biện pháp ngoại giao và các biện pháp cần thiết khác.
Liên quan đến viện bảo vệ ngư dân trên vùng biển chưa phân định, Phó Thủ tướng khẳng định bảo hộ công dân, ngư dân là nhiệm vụ quan trọng, được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp trong các vùng biển của Việt Nam; yêu cầu các nước đối xử nhân đạo với ngư dân, thả và bồi thường nếu gây thiệt hại.
Phát triển năng lượng tái tạo nhằm bảo đảm an ninh năng lượng
Về quan điểm phát triển năng lượng tái tạo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo để kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách, trong đó có chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đặt ra các mục tiêu cụ thể về sản lượng điện mặt trời, điện gió… đến năm 2030 và 2050.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các cơ chế cụ thể để khuyến khích phát triển điện gió, trong đó có Quyết định 37 năm 2011 về phát triển điện gió, Quyết định số 11 năm 2017 về điện mặt trời.
Tính đến tháng 6/2019, dự kiến đưa vào vận hành 3.000MW điện mặt trời trong tổng số 10.000MW của các dự án đang triển khai. Trong khi đó, nhiều dự án điện gió đang được các nhà đầu tư đề xuất với quy mô trên 5.000MW./.
Hải Minh/Chinhphu.vn