(kontumtv.vn) – Sau một thời gian phát sinh nhỏ lẻ, đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 247 ha diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá. Bệnh xuất hiện tại 4 địa phương, trong đó, thành phố Kon Tum có diện tích nhiễm bệnh nhiều nhất với hơn 200 ha.

Với mục đích chuyển đổi cây giống để tăng năng suất, vụ mùa năm nay, nhiều hộ dân ở xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum đã mua hom giống trôi nổi từ các thương lái về trồng. Sau 2 tháng đầu tư, chăm sóc, nhiều diện tích đã và đang bị bệnh khảm lá sắn. Nhìn cây sắn còi cọc, lá khảm vàng loang lổ, cong queo, ông A Khur ở làng Plei Jơ Drơp, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum không giấu được buồn bã:“Bây giờ thấy cây mì mình thế này, nó dịch như thế này tôi không biết làm sao. Bây giờ nó hư như thế này rồi nhờ chính quyền hay là ở cấp trên tạo điều kiện, coi như là giúp đỡ cho gia đình tôi, kiểu như thế này khó khăn quá”.

Chỉ tính riêng tại xã Đăk Năng đã có hơn 140 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá. Trong đó, có khoảng 139 ha nhiễm mức độ từ 30 – 70%; còn lại hơn 3ha bị nhiễm nặng. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân cách phòng, chống, khắc phục tình trạng nhiễm bệnh. Ông Võ Minh Quang – Chủ tịch UBND xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum cho biết:Với số diện tích sắn bị nhẹ, địa phương đã vận động nhân dân nhổ và tiêu hủy những cây mắc bệnh, không để bệnh lây lan và phun thuốc diệt con bọ trắng. Còn 3 ha bị nặng thì vận động nhân dân thực hiện nhổ và tiêu hủy. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con mua cây giống phải lựa chọn những nhà cung cấp giống có cam kết và chịu trách nhiệm về cái cung cấp giống trong những mùa sắp đến”.

Tính đến ngày 30/6, bệnh khảm lá virus phát sinh, gây hại trên diện tích 247 ha sắn chính vụ và trái vụ của của 4 huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô và thành phố Kon Tum. Đây là một loại bệnh gây ảnh hưởng lớn đến năng suất. Tại thành phố Kon Tum, diện tích nhiễm bệnh chủ yếu tại các vùng bán ngập trồng trái vụ. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân tiến hành khoanh và làm đai xung quanh để ngăn cách giữa vùng bán ngập với vùng khác, tránh lây lan. Để bà con khôi phục sản xuất, ông Đoàn Năng Rường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất với tỉnh là sẽ hỗ trợ những diện tích này trên cơ sở chuyển đổi cây trồng khác, có thể mình chuyển đổi sang cây trồng mía. Đối với diện tích mà ngập không nhiều,thì chuyển đổi trồng chuối, rồi có thể trồng ngô. Việc này tỉnh cũng nên xem xét hỗ trợ giống và một phần vật tư đầu vào cho bà con nông dân.”

Tổng diện tích sắn trên toàn tỉnh là hơn 38.00ha. Dự báo trong thời gian tới, bệnh khảm lá sắn có khả năng lây lan và gây hại mạnh tại các địa phương trong tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh. Đồng thời rà soát, kiểm tra diện tích sắn bị nhiễm bệnh để có giải pháp kịp thời khoanh vùng, ngăn chặn không để lây lan ra địa phương khác./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *