(kontumtv.vn) – Với qui mô một vài con đến hơn chục con lợn, chăn nuôi nhỏ lẻ không chỉ gây khó khăn trong việc quản lý dịch bệnh mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Có nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát mạnh, tuy nhiên một phần xuất phát từ việc chăn nuôi theo tập quán nhỏ lẻ, manh mún của người dân nông thôn. Hiện tỉnh Hậu Giang đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân thận trọng trong việc tái đàn lợn, đồng thời chỉ đạo các địa phương nhanh chóng qui hoạch lại ngành chăn nuôi, vùng chăn nuôi theo hướng tập trung.

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại tỉnh Hậu Giang khiến cho phần lớn hộ chăn nuôi điêu đứng do bị thiệt hại về kinh tế. Bà Dương Thanh Hoa ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cho biết: Hàng chục năm qua, gia đình bà ăn nên, làm ra cũng nhờ vào việc chăn nuôi lợn nái. Tuy nhiên, đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong những tháng qua đã khiến đàn lợn của bà bị nhiễm bệnh hết buộc phải tiêu hủy.

qui hoach vung chan nuoi tap trung sau dich ta lon chau phi hinh 1
Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi

tỉnh Hậu Giang.

“Lúc đầu nuôi ít thì thấy nó đạt nên nuôi dần dần lên. Mới ban đầu nuôi 1 con nái, sau nuôi 2 con, rồi lên 5-6 con. 5-6 con thấy đạt mới xây dựng chuồng trại lên nè, nuôi 20 -22 con heo nái, rồi tới nó bị sự cố, mất hết” – bà Hoa nói.

Phụng Hiệp là một trong những địa phương ở tỉnh Hậu Giang bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Tính đến nay toàn huyện đã có 300 hộ dân có đàn lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy với số lượng gần 5.650 con, tương đương hơn 336 tấn thịt lợn, ước thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Theo đánh giá chung của ngành chức năng huyện Phụng Hiệp, dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua chỉ xuất hiện phổ biến ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi toàn huyện có gần 50 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung theo hướng an toàn sinh học, với quy mô từ 100 con trở lên thì hiện tại vẫn đang trụ vững do tuân thủ nghiêm ngặt các qui định của ngành chăn nuôi, thú y trong việc xây dựng chuồng trại, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, tiêu độc sát trùng và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Ông Nguyễn Văn Sáu- Trưởng Trạm thú y huyện Phụng Hiệp cho biết: “Đại đa số dịch tả heo châu Phi xảy ra trên những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại gia đình. Từ đầu dịch tới giờ thì chưa ghi nhận dich tả heo châu Phi trên những trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, đủ điều kiện do Chi cục Chăn nuôi – Thú y cấp phép. Những trang trại này tuân thủ quy trình nên chưa ghi nhận trường hợp dịch tả heo châu Phi.”

qui hoach vung chan nuoi tap trung sau dich ta lon chau phi hinh 2
Chăn nuôi nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang: Đến thời điểm này, toàn tỉnh Hậu Giang đã xuất hiện hơn 2.650 ổ dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn chết và tiêu hủy do dịch bệnh hơn 55.130 con, tương đương hơn 3.371 tấn. Hiện đã có 41 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày kể từ ngày con lợn mắc bệnh cuối cùng bị chết, bị tiêu hủy do bệnh.

Mặc dù dịch bệnh lợn tai xanh trên địa bàn từng bước được ngăn chặn, tuy nhiên người dân Hậu Giang tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chức năng vẫn đang rất thận trọng trong việc tái đàn.

Ông Huỳnh Văn Ngoán ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp cho biết: Vừa qua ông bị thiệt hại gần 20 triệu đồng do đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi buột phải tiêu hủy. Hiện nay ông đã chuyển hẳn sang nuôi gia cầm và sắp tới sẽ tận dụng chuồng nuôi lợn để nuôi lươn, cá chạch lấu.

“Mấy năm nay thì tui nuôi cũng nhỏ lẻ, cũng có đồng lãi. Nhưng năm nay bị dịch tả kiểu này thấy cũng thua lỗ khoảng 50%. Thì hiện nay nuôi gia cầm, nuôi vịt gà vậy thôi. Bây giờ bệnh dịch chưa có thuốc khống chế và bây giờ mầm bệnh cũng còn chưa có xử lý được hết thành ra cũng chưa dám tái đàn liền” – ông Ngoán nói.

Dự báo vào dịp Tết nguyên đán sắp tới Hậu Giang sẽ không đủ nguồn thịt lợn cung cấp cho thị trường bởi tổng đàn lợn ở tỉnh hiện chỉ còn khoảng hơn 70.000 con, tuy nhiên không vì thế mà địa phương nôn nóng trong việc tái đàn lợn. Hiện ngành chức năng của tỉnh vẫn đang phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chăn nuôi lợn ở từng địa bàn. Những hộ nào đảm bảo các qui định của ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học thì mới được tái đàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang khẩn trương qui hoạch lại vùng chăn nuôi tập trung, hạn chế việc chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ông Lê Như Lê- Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết, đối với việc quy hoạch lại vùng chăn nuôi của địa bàn huyện Phụng Hiệp thì  phân ra hai vùng. Vùng 1 gồm 270 ha ở khu vực ấp Bàu Môn với ấp Hòa Phụng C và vùng 2 là khoảng 250 ha nằm ở ấp 6 và 7 cũa xã Hòa An.

“Đối với các trường hợp chăn nuôi thì vận động các hộ sử dụng nguồn thức ăn từ các công ty có liên doanh, liên kết sản xuất đó thì mình vận động các hộ này vào khu vực chăn nuôi được qui hoạch để mình quản lý được quản lý được về vấn đề an toàn vệ sinh, dịch tể, nguồn nước, rồi xử lý các vấn đề về môi trường. Nếu dịch xảy ra thì cũng dẽ dàng kiếm soát và khống chế” – ông Lê cho biết.

Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, người dân trên địa bàn có thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác khắp vùng nông thôn. Cụ thể như huyện Phụng Hiệp, cứ bình quân 20 hộ dân là có một hộ nuôi lợn, với qui mô một vài con đến hơn chục con. Từ lâu, việc chăn nuôi theo hình thức này không chỉ gây khó khăn trong việc quản lý dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Tỉnh Hậu Giang xác định qui hoạch lại ngành chăn nuôi, vùng chăn nuôi là hướng đi phù hợp cần triển khai thực hiện nhanh sau đợt dịch bệnh./.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *