Trong kỳ họp thứ 7 năm 2014, Chính phủ phải báo cáo đã thực hiện chi tiêu ra sao, tiết kiệm được bao nhiêu…

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách năm 2014. Nghị quyết bao hàm nhiều nội dung quan trọng, thể hiện rõ mục tiêu tiết kiệm chi triệt để. Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển tập trung, ưu tiên bố trí vốn trả nợ xây dựng cơ bản và dự án có khả năng đưa vào sử dụng, khai thác trong năm 2014; hạn chế tối đa khởi công dự án mới; bố trí hoàn trả vốn ngân sách ứng trước (bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ). Các dự án có quyết định đầu tư phải thực hiện đúng mức vốn kế hoạch được giao, không làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, bên lề kỳ họp Quốc hội, VOV phỏng vấn các đại biểu Quốc hội, đồng thời là những chuyên gia kinh tế đầu ngành của Việt Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Đại biểu Trần Du Lịch – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Tăng cường giám sát thực thi.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về ngân sách, bây giờ chỉ là vấn đề giám sát, thực thi. Trong Nghị quyết lần này, rất nhiều điểm ĐBQH đã nêu và được Quốc hội đưa vào Nghị quyết, ví dụ như vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, giảm hội họp, hội nghị, không được xây dựng các trụ sở mới, trừ một số trụ sở xã cấp thiết. Nói chung, toàn bộ những vấn đề mà ĐBQH trong đó có những ý kiến mà tôi đã nêu như phải xem lại phân bổ ngân sách, tiết kiệm chi tiêu, đồng ra đồng vào… đều được Nghị quyết nêu rõ. Nhưng vấn đề đặt ra  bây giờ là giám sát việc thực hiện, thực thi ra sao. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, của HĐND các cấp. Các nơi này phải tăng cường giám sát từng điểm một mà Nghị quyết đã nêu, từ chống lãng phí thế nào, chống thất thu, tiết kiệm chi, sử dụng một phần cổ tức để chi cho đầu tư ra sao… Tất cả những điều này dĩ nhiên phải chờ Chính phủ có kế hoạch triển khai thế nào, nhưng rõ ràng trách nhiệm giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND lần này phải được đề cao. Làm sao để bảo đảm bội chi năm 2014 chỉ ở mức 5,3% GDP, tức là khoảng 224.000 tỷ đồng. Còn lại, nếu chống được thất thu thì có thể tăng cho đầu tư.

 

Bây giờ ngân sách đã đến mức báo động rồi, vì vậy vai trò  giám sát càng phải được đẩy mạnh. Phải tổ chức giám sát từng điểm một. Ví dụ giữa năm tới, Quốc hội nên yêu cầu Chính phủ báo cáo về những nội dung trong Nghị quyết, từng điểm một. Phải báo cáo rõ trong nửa năm đầu 2014 Chính phủ đã thực hiện kế hoạch ngân sách ra sao, tiết kiệm được bao nhiêu tỷ, chống thất thu thế nào, có nơi nào khởi công trụ sở mới không.. . Đến cuối năm Chính phủ phải báo cáo kỹ hơn. Tôi cho là phải làm ráo riết để tránh hậu quả xấu.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ có chương trình giám sát vấn đề ngân sách, những nội dung mà Nghị quyết Quốc hội đã nêu, xây dựng thành chương trình giám sát cụ thể. Để qua đó phát hiện những sai phạm so với yêu cầu của Nghị quyết đã nêu.

Trăn trở lớn nhất của tôi là vấn đề bội chi. Chúng ta đã phải vay và phát hành trái phiếu Chính phủ quá lớn. Tôi đã nói rất nhiều. Đó là điều rất khó khăn giữa cân đối nguồn trái phiếu ngân hàng thương mại mua để bảo đảm phát hành đủ lượng trái phiếu Chính phủ mà vẫn có đủ dòng vốn cho tín dụng doanh nghiệp. Cần phải tính đến mọi phương án để có cơ hội giảm lãi suất xuống.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: “Phải đảm bảo kỷ luật ngân sách”

Vấn đề bây giờ là làm sao đảm bảo được kỷ luật ngân sách. Đây là một chỉ tiêu phấn đấu theo hướng tiết kiệm chi và đảm bảo được nguồn thu.

 

Đáng quan tâm nhất là làm sao giảm chi hoặc ít ra là chi đúng dự toán vì chúng ta luôn chi vượt dự toán. Do đó, những dữ liệu đã dự toán như vấn đề lạm phát, trong lập dự toán phải đưa ra lạm phát mục tiêu năm nay là bao nhiêu phần trăm. Ví dụ là 7% thì chi phí ngân sách nằm ở mức đó. Nhưng nếu lạm phát tăng thì sao? Vấn đề là kiểm soát được lạm phát để đảm bảo được chi không bị vượt dự toán.

Bên cạnh đó, nguồn thu ngân sách quan trọng là làm sao để kinh tế phục hồi. Cho nên thu nội địa rất quan trọng. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 khối: DNNN, dân doanh và FDI đóng góp chính vào nguồn thu ngân sách nên phải đảm bảo sự phục hồi của các DN sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, khi nguồn ngân sách tăng thì có cơ hội để chúng ta thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ… Các vấn đề này đều có sự tương hỗ với nhau. Nhưng cái quan trọng là làm sao để nền kinh tế phục hồi, chống suy giảm.

Chúng ta phát hành trái phiếu chính phủ trong 3 năm trong đó bao gồm cả trái phiếu phát hành để thực hiện việc bù đắp bội chi ngân sách; trái phiếu theo chương trình được duyệt trước đây nên tổng trái phiếu phát hành có thể lên đến gần 400.000 tỷ. Đây là lượng cầu rất lớn nên áp lực đến lãi suất thị trường. Cho nên, kéo giảm lãi suất cũng góp phần tiết giảm chi phí trả lãi vay NH của ngân sách NN, góp phần kiềm chế lạm phát, kéo giảm lãi suất. Kiểm soát được lạm phát chừng nào thì góp phần kéo giảm lãi suất chừng đó. Do đó, kéo được khoản chi ngân sách trong việc trả lãi vay. TPCP kéo về ở mức 6-7% trong năm tới thì rất tuyệt vời. Vì điều này sẽ góp phần kéo mặt bằng lãi suất nói chung xuống. Nhưng để làm được việc đó thì việc giải quyết nợ xấu trong hệ thống NH, đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN để đẩy nhanh hiệu quả sử dụng vốn của DNNN… là yêu cầu rất bức thiết. Tất cả những điều này sẽ góp phần cho bài toán tổng thể của nền kinh tế. Cho nên hiện nay phải nhìn vào bài toán tổng thể và nhìn vào dài hạn. Chúng ta dành thời gian của nhiệm kỳ này cho vấn đề tái cơ cấu, ổn định kinh tế vĩ mô để làm cơ sở cho phát triển bền vững, tạo tiền đề cho nhiệm kỳ sau./.

Theo : Vũ Hạnh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *