(kontumtv.vn) – Muốn tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thuận lợi, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, sản xuất phải gắn với thị trường, theo tín hiệu của thị trường…

Cung vượt cầu, sản xuất theo phong trào, thiếu liên kết,… là những cụm từ được nhiều chuyên gia nhắc đến khi trao đổi về câu chuyện quả thanh long phải đổ, bỏ cho gia súc ăn thời gian qua ở những địa phương được coi là thủ phủ của thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thanh long giảm giá, phải đổ bỏ là do thương lái không thu mua, thị trường Trung Quốc ngừng mua thanh long. “Được mùa rớt giá” trong sản xuất nông nghiệp không phải là câu chuyện mới, mà đã từng xảy ra đối với những nông sản như: chuối, dưa hấu, hành tím, củ cải…

san xuat nong san khong phai de cho "giai cuu" hinh 1
Hàng loạt vườn thanh long ở Bình Thuận đến kỳ thu hoạch.

Thực tế cho thấy, hơn 80% sản lượng thanh long được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, khi thị trường này không tiếp nhận, người trồng thanh long không còn nơi tiêu thụ.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Thị trường quyết định sản xuất, bản thân nông dân cũng cần hiểu rằng sản xuất những gì có thể bán được, những gì thị trường cần.

Theo ông Ngọc, bản chất sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với rủi ro lớn nhất đó là rủi ro thị trường, nếu sản xuất mà không có hợp đồng liên kết thì việc sản xuất được sản phẩm bán ra thị trường sẽ gặp khó khăn chưa kể đến những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở địa phương, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp – một trong những địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp với nhiều chuỗi giá trị từ rau quả, đến chăn nuôi – phân tích, việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết khiến nông dân gặp nhiều rủi ro, đã đến lúc nông dân cần phải thay đổi tư duy và sản xuất một cách chuyên nghiệp hơn.

“Nông dân vào hợp tác xã mua chung vật tư đầu vào, giảm giá thành, đàm phán về giá cả với doanh nghiệp, giờ sản xuất manh mún, mạnh ai đấy bán, cạnh tranh về giá để bán khiến giá bán cũng giảm. Nông dân muốn rằng tự quyết định giá nông sản mình làm ra nhưng nếu không thay đổi, không liên kết lại thì không thể quyết định được giá”, ông Hoan cho hay.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau thời gian lượng nhập khẩu thanh long giảm từ thị trường Trung Quốc hiện mọi hoạt động giao thương xuất khẩu thanh long tại các cửa khẩu giữa hai bên đã diễn ra bình thường.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, muốn tiêu thụ và xuất khẩu nông sản thuận lợi đầu tiên phải đảm bảo yếu tố về chất lượng sản phẩm, sản xuất phải gắn với thị trường, theo tín hiệu của thị trường, ông Toản lưu ý.

Bài học thành công về tổ chức sản xuất và kết nối tiêu thụ vải thiều (Bắc Giang) và nhãn lồng (Hưng Yên) ở miền Bắc là minh chứng rõ nét trong việc xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đây là kinh nghiệm có thể áp dụng đối với nhiều loại trái cây ở Nam bộ trong đó có thanh long, bởi không chỉ tập trung sản xuất mà không quan tâm tính đến tín hiệu thị trường, bị động để chờ “giải cứu”.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông dân và các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất và quản lý, tăng cường khâu chế biến sâu để gia tăng giá trị. Đồng thời, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, “không để trứng vào một giỏ”; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, hạn chế và dần dần xóa bỏ xuất khẩu tiểu ngạch./.

Minh Long/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *