(kontumtv.vn) -​ Những vấn đề về lợi ích, sở hữu chéo… khiến quá trình “kết hôn” của các ngân hàng được ví như những đôi đũa lệch.

Những động thái trên thị trường thời gian qua cho thấy quá trình sáp nhập ngân hàng sẽ diễn ra nhanh chóng, là tiền đề để giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xấu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển…

Thành công trong việc gìm cương lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá… là tiền đề quan trọng để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt tay tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu. Thế nhưng, sau nhiều lần nấn ná, trì hoãn trong năm 2014, rốt cục đầu năm 2015, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã hạ quyết tâm cho ngành ngân hàng: NHNN sẽ triển khai quyết liệt việc tái cơ cấu hợp nhất ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2015; 6 tháng còn lại sẽ tiếp tục triển khai.

Ngay những tháng đầu năm, NHNN chính thức mua lại toàn bộ cổ phần Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam và bổ nhiệm lãnh đạo mới đã đánh dấu màn khởi đầu cho việc sáp nhập ngân hàng năm 2015. Đến giờ, những cái tên sẽ được “gả” cho nhau và về chung một nhà được chỉ đích danh: SaigonBank sẽ về với Vietcombank; PG Bank về với Vietinbank ; Mekong Bank về với Maritime Bank; Southern Bank về với Sacombank…

Các nhà băng lớn băn khoăn việc “kết hôn” với ngân hàng nhỏ sẽ là một món hời hay lại thêm một cục nợ

Rất dễ hiểu sự quyết tâm của NHNN trong việc sáp nhập các tổ chức tín dụng yếu kém, bởi năm 2015 chính là năm “chốt” của đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015. Còn trước đó, có thể nói “bà mối” NHNN đã có một thời gian rất dài để các tổ chức tín dụng tự nguyện về chung một nhà. Thế nhưng, những vấn đề về lợi ích, sở hữu chéo… khiến quá trình “kết hôn” của các ngân hàng được ví như những đôi đũa lệch chậm bước khi phía sau của quá trình đàm phán nội bộ trở nên phức tạp. Dường như, các ngân hàng nhỏ cảm thấy bị thiệt thòi khi “kết hôn” nên cố tình nấn ná, dền dứ để thoát khỏi cảnh về chung một nhà với một nhà băng khác. Ở tình thế ngược lại, các nhà băng lớn băn khoăn việc “kết hôn” với ngân hàng nhỏ sẽ là một món hời hay lại thêm một cục nợ?

Sự chậm trễ của quá trình tái cấu trúc ngân hàng khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, những vấn đề nợ xấu của ngân hàng sẽ không được giải quyết nhanh, dứt điểm, ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung. Một lần nữa, tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2015 vừa diễn ra tại thành phố Vinh – Nghệ An, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, ngoài những điểm nhấn về sự ổn định thị trường, khó khăn nói chung vẫn nằm ở khâu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Trước tình thế này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lên tiếng trấn an, việc sáp nhập ngân hàng nhỏ sẽ không khiến ngân hàng lớn mất mát và thiệt thòi gì mà còn được nhiều thứ như mạng lưới và uy tín.

100% cổ đông PG Bank đã biểu quyết đồng ý sáp nhập

Sau những cam kết của người đứng đầu ngành ngân hàng, tiến độ “kết hôn” của những  “đôi đũa lệch” nhanh lên trông thấy. Kịch bản PG Bank về chung một nhà với Viettinbank đã tiến những bước dài khi 100% cổ đông PG Bank đã biểu quyết đồng ý sáp nhập. Lãnh đạo hai ngân hàng thống nhất sáp nhập trong quý III năm 2015, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu tương đương: 1 cổ phiếu PG Bank đổi 0,9 cổ phiếu VietinBank…

Những diễn biến đó cho thấy, chỉ trong một thời gian nữa, những thương hiệu ngân hàng đình đám một thời như: MDB, PG Bank hay MHB đã, đang và sẽ bị “xóa sổ” sau khi tiến hành sáp nhập vào các ngân hàng khác. Viễn cảnh này khiến nhiều cán bộ đã từng công tác, gắn bó với ngân hàng bị sáp nhập không khỏi chạnh lòng nhưng họ cũng hiểu rằng xu thế này là khó tránh khỏi.

Những bước đi trong quá trình tái cơ cấu của NHNN thời gian qua đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, họ cho rằng cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, với sự chặt chẽ, thận trọng mà NHNN với vai trò “bà mối” phải bảo đảm những ‘đôi đũa lệch’ khi về chung một nhà phải ăn nên, làm ra, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu./.

Ngọc Linh/Báo VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *