(kontumtv.vn) – Cuộc trao đổi của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ giúp DN có cái nhìn về bức tranh XNK năm 2013, và những cơ hội phát triển trong năm 2014

Kết thúc năm 2013, xuất nhập khẩu nước ta đã cán đích thành công mục tiêu kế hoạch đề ra.

Với kết quả lần thứ 2 liên tiếp xuất siêu, lĩnh vực xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh kinh tế của cả nước.

Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2013, cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 13 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD là thủy sản, cà phê, gạo, cao su, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, xơ sợi dệt, giày dép các loại, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và máy vi tính, đồ điện tử.

Để giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng có cái nhìn tổng quan về bức tranh xuất nhập khẩu năm 2013, đồng thời đánh giá những cơ hội phát triển trong năm 2014, phóng viên Báo Điện tử VOV có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

** Thưa Bộ trưởng, theo dự báo từ đầu năm, cùng với khó khăn chung của kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng phải đương đầu với hàng loạt thách thức. Tuy nhiên, chúng ta vẫn vượt mục tiêu kế hoạch và tiếp tục xuất siêu ở mức cao?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Bước vào năm 2013, nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm, môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu chưa thực sự ổn định, thương mại toàn cầu sụt giảm kéo theo xu hướng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ; Kinh tế trong nước cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại như thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu, hàng tồn kho, lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động tăng cao, tiếp cận vốn khó khăn…

Tuy nhiên, kết thúc năm 2013, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng trưởng GDP năm 2013 ước đạt 5,4%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,6%, tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 263,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 15,4%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra 5,4% và xuất siêu khoảng 862 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao (8%). Điều này góp phần quan trọng trong việc thu hẹp chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu, cân bằng cán cân thương mại, góp phần ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Để đạt được những kết quả trên, phải kể đến sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp, các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

Ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Bộ Công Thương cũng đã thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản của một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều và một số mặt hàng khác như dệt may, da giày.

** Tuy nhiên, thành tích xuất khẩu chủ yếu nhờ vào doanh nghiệp FDI. Ông có bình luận gì khi ý kiến của các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn thì nhập khẩu cũng nhiều và chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới hình thức lắp ráp, gia công, nên nền kinh tế chưa được nhiều lợi ích từ thành tích này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong những năm gần đây, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, góp phần khai thác có hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực trong nước; tạo công ăn việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng dần tỷ trọng hàng chế biến, hàng công nghệ cao.

Vai trò của doanh nghiệp FDI đối với lĩnh vực xuất khẩu ngày càng quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI năm 2013 (không kể dầu thô) đạt 81,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm 2012 và chiếm tỷ trọng 61% trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu (xuất khẩu tăng 3,5% năm 2013) thì sự tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu cả nước nói chung. Khối doanh nghiệp FDI tiếp tục xuất siêu 6,7 tỷ USD trong năm 2013 (năm 2012 là 4,1 tỷ USD), nhờ đó, tạo ra thặng dư thương mại cho Việt Nam, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và thông qua đó, ổn định kinh tế vĩ mô.

Vai trò của doanh nghiệp FDI lại càng nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp chế biến xuất khẩu, lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất và có tốc độ tăng nhanh nhất trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Trong lĩnh vực này, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng khoảng 75%, trong đó nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng rất cao và gần như tuyệt đối, như: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm tỷ trọng 98%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tỷ trọng 95%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện chiếm 98%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 91%…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích trên, hiện nhiều doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu để gia công xuất khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa còn chưa cao, chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh về lao động của Việt Nam, trong khi các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường chưa nhiều. Nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn của khối doanh nghiệp FDI chủ yếu là các mặt hàng  nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dây điện và dây cáp điện, vải các loại. Tỷ lệ dự án đầu tư vào các lĩnh vực định hướng như kết cấu hạ tầng, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến sau thu hoạch, dịch vụ trung gian, dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn hạn chế.

Để giải quyết những tồn tại này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu, định hướng thu hút, quản lý nguồn vốn FDI cho cả giai đoạn 2011-2020. Theo đó, cần sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn FDI sao cho phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam 2011-2020 theo hướng khuyến khích kinh tế có vốn FDI phát triển theo quy hoạch; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao; ưu tiên phát triển các dự án có sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu…

** Bộ trưởng có dự báo gì về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2014?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Năm 2014 được nhiều chuyên gia đánh giá kinh tế thế giới và kinh tế trong nước sẽ có những bước khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn làm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong việc phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, đầu ra cho xuất khẩu.

Dự báo trong năm 2014, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được Bộ Công Thương tích cực đàm phán, ký kết sẽ góp phần mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Việt Nam – EU, Hiệp định Việt Nam – EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na-uy, Thụy Sĩ), Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc và Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh Thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan.

Tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 tăng 10%, nhập siêu khoảng 6%. Đây là nhiệm vụ to lớn và đầy thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành, Hiệp hội cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2014 cần phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới như các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có như thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình… Trong đó, cần tăng dần tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này.

Đồng thời, không khuyến khích và có lộ trình phù hợp hạn chế đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp hoặc lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng phát triển các mặt hàng xuất khẩu thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

Điểm cuối cùng, nhưng hết sức quan trọng, là tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn. Trong đó sẽ tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ… đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Năm 2014 sẽ là một năm với nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin thế giới và trong nước, nắm bắt thời cơ, giải quyết các khó khăn, phản ánh kịp thời với các cơ quan Nhà nước những khó khăn ngoài tầm giải quyết của mình, phấn đấu đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ Công Thương tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2014./.

Theo : Đặng Khanh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *