Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản hướng dẫn, triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng, lựa chọn một số dự án có vấn đề như điều chỉnh tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian đầu tư, hoặc khi đưa vào sử dụng chưa quyết toán được… để thanh tra nhưng không đi sâu vào tính toán khối lượng mà tập trung vào việc phân phối vốn, quyết toán vốn đầu tư.
Ngoài thanh tra chuyên đề diện rộng, theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra bộ, ngành Trung ương sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra theo hướng giảm thanh tra tại các doanh nghiệp, tăng cường thanh tra trách nhiệm việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản, hoạt động sự nghiệp có thu, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, dự án BOT, BT; chống gian lận thương mại, xử lý nợ đọng thuế, hoàn thuế; tình hình vay, đầu tư, khả năng trả nợ, việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá gắn liền với công khai, minh bạch trong điều hành (xăng, dầu, điện, than).
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với quyết định hành chính; tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt trên 80%.
Bên cạnh đó, Thanh tra các bộ, ngành sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; đầu tư xây dựng, đất đai, tín dụng, ngân hàng, thu ngân sách (thuế, hải quan), mua sắm công, công tác cán bộ.
Đại diện Thanh tra các bộ, ngành đều đồng tình với hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn cho rằng dễ có sự chồng chéo, trùng lắp đối tượng, nhất là khi thanh tra chuyên đề diện rộng. Thanh tra Chính phủ cần có giải pháp, hướng dẫn cụ thể, xác định rõ phạm vi quản lý Nhà nước để tăng cường sự phối hợp, tránh chồng chéo, trùng đối tượng thanh tra.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ cần chủ trì xây dựng quy chế phối hợp xử lý chồng chéo giữa Thanh tra bộ, ngành, tỉnh với Kiểm toán để tránh tính trạng “xin – cho,” phức tạp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Trong quý 3 năm nay, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành Trung ương đã triển khai 176 cuộc thanh tra hành chính và 12.540 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 10.424 tổ chức, cá nhân.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm 2.236 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 2.100 tỷ đồng (đã thu hồi 1.827 tỷ đồng); xử phạt vi phạm hành chính 486 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý gần 190 tỷ đồng; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 11 vụ, 14 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 693 triệu đồng, 8.000 USD và đã thu hồi toàn bộ số tiền này.
Theo vtv.vn