Việc thực hiện nghiêm túc chi ngân sách phải được quán triệt đến từng đơn vị nhỏ nhất có dùng tiền từ ngân sách.

 

Tiếp tục chủ đề về ngân sách, bội chi và đầu tư công, những ngày qua người dân trong cả nước đặc biệt quan tâm đến những nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Nhiều lo ngại xung quanh hoạt động thu chi ngân sách thời gian qua và những năm sắp tới, nhưng tất cả đều thống nhất một quan điểm chung: trong bối cảnh khó khăn hiện nay, kỷ luật ngân sách phải được thực hiện nghiêm túc hơn nữa đối với tất cả các cơ quan và đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.

Có lẽ chưa bao giờ nỗi ám ảnh thâm hụt ngân sách, bội chi lại in đậm như hiện nay, khi mà bức tranh kinh tế năm 2014 tuy được dự báo là có khởi sắc, nhưng vẫn có nguy cơ gặp nhiều thách thức, nhất là khi nội lực của nền kinh tế chưa mạnh. Theo phân tích của Tiến sĩ Trần Du Lịch – đại biểu Quốc hội TP HCM thì trong số 5 nguyên nhân dẫn đến thâm hụt ngân sách, chỉ có 2 nguyên nhân mang tính tích cực. Đó là việc đầu tư, vay nợ để đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; thực hiện chính sách xã hội, giảm việc phân hóa giàu – nghèo và các chương trình mục tiêu. Còn có đến 3 nguyên nhân làm thâm thủng ngân sách rất tiêu cực, đó là đã duy trì quá lâu một thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin – cho, không rạch ròi giữa trung ương và địa phương; vung tay quá trán trong chi tiêu, nới rộng quá lớn bộ máy; kỷ luật chi tiêu không nghiêm. Hiểu một cách đầy đủ thì hoạt động cải cách hành chính công thời gian vừa qua chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Bộ máy các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn quá cồng kềnh, làm việc kém hiệu quả. Chính điều này đã dẫn tới lãng phí một phần không nhỏ chi phí hành chính, thời gian giải quyết thủ tục hành chính của doanh nghiệp, thậm chí cả chi phí bôi trơn…

Theo tính toán của một đại diện doanh nghiệp bất động sản, nếu như mọi thủ tục để xây dựng một dự án bất động sản được giải quyết nhanh chóng, đúng theo quy định của pháp luật, thì giá căn hộ chung cư có thể giảm được đến 15 – 20%. Chi phí này mất đi mà không ai được hưởng, xã hội thiệt hại còn người mua nhà phải cộng thêm phần chi phí này vào giá nhà, khiến giá cả thêm phần đắt đỏ. Đây chỉ là một ví dụ cụ thể cho tình trạng hoạt động chậm chạp, kém hiệu quả của bộ máy hành chính hiện hành.

Ở lĩnh vực xây dựng cơ bản, có thể thấy kỷ luật chi tiêu ngân sách chưa nghiêm dẫn tới lãng phí, thất thoát tràn lan. Nếu như có một tổ chức nào đó đứng ra bình xét và nêu danh những công trình chất lượng kém, hiệu quả thấp, lãng phí cao… thì có lẽ không địa phương nào trong nước không “đóng góp” ít ra là vài công trình. Nhiều công trình quy mô ở tầm xã, phường, nhưng cũng có cả những công trình mang tầm vóc quốc gia được xây với kinh phí lớn nhưng sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng một thời gian ngắn đã hỏng, gây lãng phí tiền của.

Để có tiền bù đắp cho các khoản chi đầu tư công, Chính phủ đề xuất phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, không bao gồm 75.000 tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015. Việc phát hành trái phiếu bổ sung này nghĩa là Chính phủ đứng ra vay thêm 170.000 tỷ đồng từ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính để bổ sung thêm khoản vốn cho khoảng 75% dự án giao thông, thủy lợi, các bệnh viện đang đầu tư dở dang trong kế hoạch trái phiếu Chính phủ 2011 – 2015 và một số dự án trọng điểm khác. Dù có gọi dưới hình thức nào, đây vẫn là một khoản nợ, mà đã là nợ thì phải trả. Có điều người vay và trả là ngân sách trung ương, còn các địa phương chỉ cần lên dự án, do vậy không ít địa phương vẫn coi khoản nợ này như “của trời cho”.

Một con số được nói tới nhiều trong thời gian vừa qua là nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 74 tỷ USD; mỗi người trong số 90 triệu dân Việt Nam đều đang phải gánh khoản nợ 826 USD.

Để giảm gánh nặng nợ công, có nhiều giải pháp được đưa ra như tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tái cấu trúc phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp; cắt giảm chi tiêu công; tiếp tục giảm chi thường xuyên… Nhưng những việc đó vẫn chưa đủ, nếu như các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp địa phương vẫn coi tiền vốn nhà nước (được xây dựng từ tiền thuế của nhân dân) như “bắt được”. Hơn lúc nào hết, việc thực hiện nghiêm túc kỷ luật ngân sách, nhất là kỷ luật chi ngân sách, phải được quán triệt đến từng đơn vị nhỏ nhất có dùng tiền từ ngân sách./.

Thu Thùy/VOV 1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *