Sẽ loại bỏ tình trạng giá rẻ được trúng thầu, quan tâm hơn đến năng lực thực sự của các nhà thầu – Đó là một trong những nội dung quan trọng sẽ được các ĐBQH cho ý kiến trong Luật Đấu thầu sửa đổi.
Đại diện các doanh nghiệp trong nước cho rằng, đây sẽ là cơ hội để khối doanh nghiệp trong nước được tham gia với vai trò nhà thầu chính ở những dự án lớn và từng bước khẳng định năng lực trong môi trường có sự cạnh tranh của các nhà thầu nước ngoài.

Ông Trịnh Huân, Giám đốc công ty CP Thương mại và kỹ thuật ứng dụng cho biết: “Lâu nay, những doanh nghiệp trong nước rất khó đáp ứng được những quy định khắt khe của Luật Đấu thầu. Phải xem và đánh giá hết năng lực thực sự của doanh nghiệp Việt Nam để sửa luật và hỗ trợ cho khối doanh nghiệp này”.

Ảnh minh họa

Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải làm thầu phụ, ngay cả những tổng công ty lớn cũng không thể cạnh tranh nổi ở các dự án quốc tế lớn. Hàng loạt các quy định về tài chính, quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu đã loại bỏ hầu hết các doanh nghiệp trong nước. Và đương nhiên, họ buộc phải đóng vai nhà thầu phụ.

Ông Nguyễn Công Tài, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty xây dựng Thăng Long bức xúc: “Họ yêu cầu doanh thu phải đến vài trăm triệu USD nên chúng tôi không thể tham gia được”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đơn vị soạn thảo luật cho biết, sẽ có nhiều điểm mới trong sửa đổi Luật Đấu thầu lần này. Luật mới sẽ khắc phục được tình trạng chỉ chọn đơn vị có giá bỏ thầu rẻ mà không tính đến tiến độ dự án và năng lực nhà thầu như hiện nay. Các quy định cũng đều được thiết kế theo hướng hỗ trợ nhà thầu trong nước tham gia các dự án quốc tế lớn.

Đại diện Cục quản lý đấu thầu cũng cho biết, đối với những vấn đề liên quan đến đấu thầu ở các luật khác sẽ được gộp lại trong Luật Đấu thầu sửa đổi nhằm tránh hiện tượng chồng chéo hoặc mâu thuẫn trong các văn bản. Dự kiến, Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ được các đại biểu Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 này.

Đặng Tú/vtv.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *