(kontumtv.vn) – Việc tăng giá điện đảm bảo EVN không bị lỗ và vẫn đảm bảo khả năng đạt tăng trưởng GDP 6,2%, kiểm soát lạm phát trong khoảng 5%.

Ngay sau khi Thường trực Chính phủ đồng ý phương án điều chỉnh giá bán điện tăng thêm 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh áp dụng từ ngày 16/3/2015, chiều 6/5, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo thông tin về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi về việc tăng giá điện lần này có tác động như thế nào đến ổn định vĩ mô cũng như tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Bộ Công Thương báo cáo Thường trực Chính phủ 3 phương án giá điện, tăng 7,5%; 8,5% và 9,5% với các tác động cụ thể tới nền kinh tế, thị trường và người tiêu dùng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với mức tăng giá điện 7,5%.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – Đinh Quang Tri chủ trì buổi họp báo.

Với mức tăng này sẽ đảm bảo được hai yếu tố quan trọng: EVN không bị lỗ và đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%, kiểm soát lạm phát khoảng 5% theo đúng kế hoạch.

“Các bộ, ngành cũng đã đánh giá các tác động đến tăng trưởng GDP, CPI, đời sống của người dân từ việc điều chỉnh tăng giá điện lần này. Tuy nhiên việc điều chỉnh giá sẽ được tiến hành theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo mục tiêu giá điện không thể bán dưới giá thành”, ông Nguyễn Anh Tuấn quả quyết.

Cho biết thêm thông tin tại buổi họp báo, ông Đinh Quang Tri –  Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói, với mức điều chỉnh tăng thêm 7,5% từ 16/3/2015, doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 1% trên vốn chủ sở hữu.

“Nếu không điều chỉnh tăng giá điện, năm 2015 EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng. Việc tăng giá điện lần này, EVN sẽ giành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng), tính toán nâng giá truyền tải hiện đang còn thấp (chỉ chiếm khoảng 6% trong cơ cấu giá thánh điện) để đảm bảo nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ và hiện đại”, ông Tri cho biết.

Cũng theo ông Đinh Quang Tri, thời gian qua EVN đã nhiều lần trình Bộ Công Thương các phương án điều chỉnh giá điện, tuy nhiên do tình hình kinh tế khó khăn nên Bộ Công Thương chưa đồng ý điều chỉnh. Trong tờ trình EVN gửi Bộ Công Thương có mức điều chỉnh tăng giá điện cao nhất lên tới trên 12%, căn cứ trên tình hình kinh tế-xã hội cũng như một loạt thông số đầu vào đã thay đổi.

Cũng theo ông Tri, từ tháng 8/2013, giá than đã tăng trên 50% qua nhiều đợt. Giá khí trên bao tiêu từ ngày 1/4/2014 cũng tăng nhiều đợt đã khiến cho các chi phí của EVN tăng lên 557 tỉ đồng, trong khi chênh lệch tỷ giá làm tăng chi phí 105 tỉ đồng, thuế tài nguyên nước làm tăng chi phí mua điện tăng lên 1.590 tỉ đồng. Ngoài ra, còn một số chi phí mua điện nông thôn, chi phí bổ sung thuế môi trường rừng…

Đánh gia tác động của việc tăng giá điện lần này, ông Tri cho rằng, đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt, mức tăng giá lần này chỉ tăng thêm cho mỗi gia đình chưa từ 4.800 – 5.000 đồng/tháng nếu dùng 50 kWh đầu tiên. Đối với các hộ sản xuất, tùy theo giá thành từng hộ tiêu thụ, mức tăng sẽ từ 0,06% đến 0,6% tùy từng lĩnh vực./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *