(kontumtv.vn) – Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ, đồng hành của các đoàn thể chính trị – xã hội, phong trào cải tạo vườn tạp trong vùng DTTS trên địa bàn huyện Đăk Hà đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người DTTS. Qua đó giúp người DTTS biết phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai của gia đình để nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh vườn của mình, vừa tạo cảnh quan môi trường nông thôn thoáng mát, sạch đẹp.

Sau nhiều năm canh tác cây mì, đến khi đất đã bạc màu, mảnh vườn có diện tích gần 3 sào được ông A Ải ( ở thôn Kon Teo – Đăk Lấp, xã Đăk Long) tận dụng trồng mấy hàng dứa, còn lại thì bỏ hoang cho cỏ mọc. Cái khó của ông, không chỉ là thiếu vốn đầu tư cây trồng khác mà tư duy, kiến thức về phát triển kinh tế vườn gần như hoàn toàn xa lạ với ông và bà con khác trong thôn. Sau nhiều năm loay hoay với bài toán thoát nghèo, năm 2021 được xã hỗ trợ, ông tìm hiểu về kỹ thuật để trồng cà phê và xen thêm cây ăn quả trong vườn.

Thôn Kon Teo – Đăk Lấp hiện có trên 230 hộ dân người DTTS, với trên 300 hecta đất sản xuất nông nghiệp. Thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững, xã Đăk Long đã huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng với người dân. Từ việc bám sát cơ sở, cầm tay chỉ việc và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, những định hướng đã được cụ thể hóa bằng các mô hình, cách làm hiệu quả. Bà con người DTTS trong thôn không chỉ chuyển đổi cây trồng mà còn mạnh dạn đầu tư mua con giống, phát triển chăn nuôi có chuồng trại. Từ đó, kinh tế của các hộ dân có sự chuyển biến, thu nhập tăng lên đáng kể. Anh A Sao – Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Kon Teo – Đăk Lấp chia sẻ: “Với chủ trương này thì vào cuộc họp hàng tháng, mình tuyên truyền cho bà con nhà nào có vườn rộng thì mình tận dụng để chăn nuôi, cải tạo để trồng cây ăn quả. Mình phải làm được thì mới nói bà con nghe theo và làm theo được. Mình góp phần cùng với bà con phấn đấu làm sao để thôn của mình đạt thôn văn hóa và xóa đói giảm nghèo bền vững.”

Anh Tạ Thành Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Long cho biết sau khi được tuyên truyền bà con họ đã tin tưởng và có sự thay đổi tích cực. Các hộ dân đã tận dụng các diện tích đất bỏ hoang, vườn tạp, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả bằng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Trong chăn nuôi, bà con đã biết làm chuồng trại, trao đổi kinh nghiệm với nhau để đưa ra các phương án sản xuất có hiệu quả hơn, cùng giúp nhau thay đổi nếp nghĩ cách làm để vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo một cách bền vững.

Hiện nay, huyện Đăk Hà có trên 3.200 hecta diện tích đất vườn. Trong đó, còn trên 900 hecta đất vườn trong vùng DTTS chưa được khai thác hiệu quả do phần lớn bà con vẫn chưa có thói quen phát triển kinh tế vườn nhà. Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết “Cải tạo, phát triển kinh tế vườn hộ gia đình để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững”, với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế vườn hộ phù hợp với thực tiễn; vận động hỗ trợ người DTTS chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó làm tiền đề để người DTTS tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa. Theo ông Ngô Hồng Hưng – Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Đăk Hà, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng KHKT như tưới nước tiết kiệm, bón phân thông qua hệ thống tưới tiết kiệm và sản xuất theo đúng quy trình sản phẩm an toàn.

Phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình trong vùng DTTS  nhận được sự tham gia, đồng hành tích cực của các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội và các doanh nghiệp cùng chung tay giúp đỡ người dân, đặc biệt hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng những việc làm thiết thực như giúp đỡ ngày công lao động, hỗ trợ vật tư, giống phân bón; hỗ trợ áp dụng khoa học, kỹ thuật, xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm… giúp hình thành những mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trong vùng DTTS. Đưa tiềm năng thế mạnh về đất đai, sức lao động trở thành nguồn động lực quan trọng để cải thiện cuộc sống người dân.

Với nhiều giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn, phong trào cải tạo vườn tạp tại huyện Đăk Hà đã có những hiệu ứng tích cực, giúp người DTTS biết khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để vươn lên phát triển kinh tế. Đây là cơ sở ban đầu giúp hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới sáng – xanh – sạch – đẹp trong vùng DTTS./.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *