(kontumtv.vn) – Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 2025, Đảng bộ xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà đang nỗ lực phấn đấu đưa xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn vào năm 2025. Để làm được điều này, việc tạo sinh kế cho người dân tự lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đang được chú trọng.

Năm 2017, sau khi được công nhận thoát khỏi hộ nghèo, anh A Điện, sinh năm 1983 ở thôn Krông Đuân, xã Đăk Pxi là một trong ít người DTTS trong thôn dám mạnh dạn vay vốn để đầu tư cải tạo đất và trồng cây cà phê, thay thế cho các loại cây trồng ngắn ngày năng suất thấp. Trước đây, dù sở hữu diện tích đất rẫy khá lớn, nhưng vì tập quán canh tác lạc hậu nên đất canh tác bị bạc màu, hiệu quả kinh tế không cao. Quyết định thay đổi hướng đi, anh đăng ký đi học lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê. Thành quả có được của anh sau 4 năm chịu khó là vườn cà phê đẹp nhất thôn với năng suất bình quân ước đạt trên 20kg quả tươi/cây.

Từ thành công này, năm 2019, xã Đăk Pxi tạo điều kiện cho gia đình anh vay 15 triệu đồng không lãi suất từ Quỹ sinh kế dịch vụ môi trường rừng và 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng quy mô sản xuất và làm chuồng trại chăn nuôi, làm gương cho các hộ gia đình khác trong thôn. Đến nay, ngoài diện tích cà phê, cao su, lúa nước, gia đình anh còn có 3 con bò sinh sản, 3 con heo sọc dưa giống, hàng chục con gia cầm và chuẩn bị phát triển thêm đàn dê theo chủ trương của xã. Mô hình kinh tế của anh được bà con trong thôn thường xuyên đến tham quan, học hỏi để làm theo. Anh A Điện chia sẻ: “Tôi sử dụng nguồn vốn từ dịch vụ môi trường rừng để phát triển mô hình mà ủy ban đã triển khai. Làm mô hình thì thuận lợi cho bà con là thứ nhất, thứ hai là chia sẻ cho bà con biết, bà con thay đổi về cuộc sống của gia đình và phát triển kinh tế trong thôn.”

Ngoài anh A Điện, chị Y Tuyết ở thôn Đăk Kơ Đương cũng là một trong số hộ DTTS tại xã Đăk Pxi đã vươn lên thoát nghèo nhờ kịp thời tiếp cận với các chính sách hỗ trợ sinh kế được xã triển khai. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học với căn nhà tạm. Năm 2019, xã Đăk Pxi hỗ trợ gia đình chị 15 triệu đồng làm nhà và một con bò sinh sản. Không còn nỗi lo về nơi ăn chốn ở, lại có bò làm sinh kế, tiếp thêm động lực cho chị nỗ lực thoát nghèo. Đến nay, chị không chỉ hoàn trả được con bò hỗ trợ ban đầu, mà còn có được một cặp bò làm vốn riêng. Hàng ngày, ngoài chăm sóc bò, chị nhận chăn dắt thêm cho các hộ trong thôn. Cơ hội thoát nghèo cho gia đình chị ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Ngoài huy động, vận động nguồn lực tại chỗ, lồng ghép với các chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước, xã Đăk Pxi còn kêu gọi các doanh nghiệp, HTX đứng chân trên địa bàn ký kết hợp đồng, tạo việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương; thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các lòng hồ thủy điện và phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm đặc trưng của địa phương là “Măng le Đăk Pxi”… Qua đó, tích cực hỗ trợ, tạo việc làm cũng như sinh kế lâu dài để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Bà Phạm Thị Quỳnh, Giám đốc HTX NN&TMDV Bách Thắng cho hay: “Vừa rồi đơn vị của mình cũng đã làm xong mã vạch và truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm. khi đó thì mình mới dám mang đi chào hàng. Hồi trước bà con bán măng chỉ được có 5 đến 6 nghìn một ký măng tươi là cao. Nhưng khi mình đã tìm ra thị trường rồi, mình thu hút được bà con lên rừng khai thác măng. Từ đó mình đẩy được cái giá thành sản phẩm thu mua cho bà con lên.”

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy và chính quyền cơ sở, các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân chủ động vươn lên thoát nghèo tại xã Đăk Pxi đã phát huy hiệu quả rõ nét. Hiện nay, xã phát triển được gần 1.640ha cây trồng các loại; trong đó, cây hàng năm gần 940ha, cây lâu năm gần 700ha. Riêng lĩnh vực chăn nuôi có sự phát triển đột phá với gần 1.900 con gia súc các loại như heo sọc dưa, dê, bò… và trên 5.400 con gia cầm theo hình thức chăn nuôi có chuồng trại. Đây được xem là nền tảng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả các chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết thêm: “Trong thời gian qua, ngoài các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu hỗ trợ sản xuất thì chúng tôi đã tạo ra các nguồn vốn khác chẳng hạn như quỹ tiết kiện của các tổ chức hội và nhất là quỹ sinh kế từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Với các mô hình của cán bộ, đảng viên là người gương mẫu đi trức, làm trước thì chúng tôi có cơ sở để tổ chức cho bà con nhân dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn để triển khai nhân rộng.”

Trong chuyến công tác của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tại xã Đăk Pxi giữa tháng 8 vừa qua, một nội dung được Bí thư TU quan tâm nhấn mạnh, đó là vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở, kết hợp với sự chung tay của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Cùng với đó là vận động người dân phát huy được tiềm năng, nguồn lực của địa phương để Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS; làm cho ĐBDTTS thoát nghèo bền vững” đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả. Thực hiện tốt được điều này, tin rằng, mục tiêu đưa xã Đăk Pxi thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra là hoàn toàn có cơ sở./.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *