(kontumtv.vn) – Sau một thời gian quyết liệt khống chế, dập dịch hiệu quả, vừa qua dịch tả heo châu Phi đã tái phát trở lại trên địa bàn huyện Sa Thầy. Trước những diễn biến phức tạp và mức độ nguy hại của dịch bệnh, huyện chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Dù đã triển khai các biện pháp phòng bệnh và chăn nuôi khép kín, tuynhiên đàn heo của gia đình bà Đặng Thị Cúc ở làng Trang, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy vẫn xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Bà Cúc cho biết, đầu tháng 10 vừa qua, một số con heo trong chuồng có biểu hiện sốt cao, ho, bỏ ăn…Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, đàn heo 28 con của gia đình bị chết 8 con với tổng trọng lượng hơn 240kg, phải tiến hành tiêu hủy theo quy định, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bà Đặng Thị Cúc cho hay: “Có đi xét nghiệm xong là đến tối báo là bị bệnh dịch tả Châu Phi thì tôi mới biết, khi đó tôi ngao ngán luôn, mấy bác bên thú y nói bệnh đó bó tay. Nên là giờ cũng không biết sao, mình chống được chừng nào thì chống thôi cũng không biết sao, vì virus này phải hơn nghìn độ mới chết được. Giờ chỉ biết phòng, ngày bơm 1 lần rồi phun chuồng trại, rắc vôi.”

Trước đó, vào đầu tháng 9/2022, trên địa bàn 2 xã Mô Rai và Sa Bình, huyện Sa Thầy xảy ra bệnh dịch tả heo Châu phi với trên 50 con heo bị mắc bệnh chết và tiêu hủy. Heo bị dịch bệnh chủ yếu ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo về an toàn sinh học. Do đó, ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch, ngành chuyên môn của huyện đã kịp thời triển khai các biện pháp nhằm khống chế như dọndẹp vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác, rải vôi bột và phun hóa chất khử trùng để khoanh vùng ổ dịch, đồng thời tiếp tục theo dõi số heo còn lại. Đến nay, 2 ổ dịch này đều đã qua 21 ngày và không phát sinh thêm gia súc bị bệnh. Đối với địa bàn mới phát  sinh  được hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch, ngăn chặn lây lan.

Hiện nay, ngành chuyên môn của huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ chăn nuôi, đồng thời hướng dẫn người dân khi phát hiện đàn heo có những biểu hiện bất thường như sốt cao, bỏ ăn kịp thời báo cho chính quyền địa phương để có hướng dẫn xử lý kịp thời, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Niệm – Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho biết: “Để bảo vệ sự an toàn cho đàn gia súc, gia cầm trong các loại dịch thì tốt nhất khi phát hiện heo chết chưa rõ nguồn gốc thì báo ngay với UBND xã để được hướng dẫn và Ủy ban sẽ có báo cáo để các đơn vị chuyên môn có biện pháp xác định, chữa trị, phòng ngừa.”

Hiện nay dịch tả heo châu Phi chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy bên cạnh sự nỗ lực, vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, thì người chăn nuôi nên thực hiện “5 không”là không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng./.

CTV Diệp Hoàng – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *