(kontumtv.vn) – Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cuộc sống gia đình, chính vì vậy, thời gian qua Hội LHPN huyện Sa Thầy đã triển khai các giải pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cách làm kinh tế, giúp chị em phụ nữ vùng DTTS vươn lên thoát nghèo.

Chị Y Thoan, Chi hội trưởng hội phụ nữ làng Kleng, thị trấn Sa Thầy là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Gần 10 năm nay gia đình chị đã có thu nhập ổn định từ việc phát triển 3 héc ta cao su, 2 héc ta cà phê, 1 héc ta mì và chăn nuôi bò sinh sản. Để có được kết quả như ngày hôm nay, vợ chồng chị đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng để tăng thu nhập. Chị Y Thoan chia sẻ: “Mình phải trồng nhiều loại cây để phát triển kinh tế. Nhà tôi trồng cây cao su, cây cà phê, cây mỳ để thu nhập nhiều hơn. Một năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Với vai trò là chi hội trưởng hội phụ nữ thôn, tôi có hỗ trợ cho các chị vay vốn nhà nước, làm kinh tế gia đình, nhiều chị làm kinh tế rất giỏi.”

Nhờ hội phụ nữ tạo điều kiện tham quan mô hình kinh tế, học các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm và sản xuất theo nhu cầu của thị trường, đến nay gia đình chị Y Lan ở làng Lút, xã Ya Tăng có nguồn thu nhập ổn định, mỗi năm trừ chi phí còn khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, vợ chồng chị đang tập trung chăm sóc hơn 10 héc ta cây trồng, trong đó có 3 héc ta cà phê, 4 héc ta cao su, 3 héc ta bời lời và 1 héc ta trồng xen cây ăn quả như sầu riêng, chôm chôm, bơ. Chị còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, cung cấp cây giống có chất lượng cho người dân trên địa bàn xã. Chị Y Lan chia sẻ kinh nghiệm: “Áp dụng khoa học, học hỏi thêm những người có kinh nghiệm, coi thông tin trên ti vi, mỗi thứ gom 1 ít. Tôi mua cây giống đạt tiêu chuẩn, giống rõ nguồn gốc. Cao su đang ưa chuộng nhất là cao su 209, còn cà phê ở đây hợp với TR4, TR9. TR4 chịu hạn hơn TR9. Hồi trước trồng lúa, trồng mỳ, kinh tế không ổn định, xong sang trồng cà phê, cao su, xen cây ăn trái. Cuộc sống có thay đổi, thu nhập một năm trên 200 triệu.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều gia đình hội viên phụ nữ có cuộc sống khá, giàu nhờ thay đổi tư duy, cách làm. Với đặc thù là địa bàn có trên 57% hội viên, phụ nữ là người DTTS, những năm qua, Hội LHPN huyện Sa Thầy đã chú trọng công tác tuyên truyền thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường gắn với triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Thầy, đối với hội viên phụ nữ ĐBDTTS, thực trạng chung là phương pháp sản xuất của nhiều chị em còn lạc hậu. Vì vậy, thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã chú trọng tuyên truyền, để giúp chị em thay đổi tư duy, cách làm. Hội đã phối hợp với các ngành chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 100 hội viên, phụ nữ. Hỗ trợ, giúp 28 hội viên, phụ nữ DTTS khởi nghiệp với tổng số tiền gần 30 triệu đồng.

Ngoài ra, Hội đã phối hợp với các ngành chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề cho gần 350 hội viên, phụ nữ; giới thiệu việc làm cho hơn 100 hội viên, phụ nữ. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức tín dụng khai thác và quản lý nguồn vốn với tổng dư nợ trên 188 tỷ đồng cho gần 3.500 thành viên vay. Bên cạnh đó, Hội đã vận động hơn 2.100 hội viên, phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm với tổng số tiền trên 640 triệu đồng, hỗ trợ cho 37 hội viên, phụ nữ vay giúp nhau phát triển sản xuất. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Thầy cho biết thêm: “Hiện nay, một số mô hình như “Tổ liên kết phụ nữ DTTS nuôi bò sinh sản”, “Tliên kết phụ nữ DTTS nuôi heo đen lấy thịtđã bước đầu phát huy hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng và xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế khác trong vùng ĐBDTTS như mô hình trồng cây ăn trái, cây dược liệu, mô hình tiết kiệm xoay vòng vốn để thay đổi tư duy, cách làm và nâng cao thu nhập cho chị em, và để chị em bắt nhịp được với xu thế phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập hiện nay.”

Thông qua việc triển khai các giải pháp đã góp từng bước thay đổi tư duy, cách làm kinh tế của hội viên, phụ nữ DTTS. Từ chỗ sản xuất manh mún, hiệu quả thấp, đến nay chị em đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay đã có 176 phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, trong đó phần lớn là hội viên, phụ nữ DTTS, góp phần tích cực trong công tác giảm hộ nghèo trên địa bàn.

CTV Trang Nhung – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *