Ảnh minh họa |
Những năm gần đây, công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đã có tiến bộ và từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định về quyết toán vẫn còn xảy ra ở nhiều dự án (năm 2012 vẫn còn trên 15.000 dự án, chiếm 25,6%/tổng số dự án hoàn thành đã đưa vào sử dụng, chậm nộp báo cáo quyết toán, chậm phê duyệt quyết toán theo quy định), gây ảnh hưởng đến việc quản lý vốn đầu tư của Nhà nước, gây nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, không tất toán được tài khoản của dự án, không hạch toán tăng tài sản kịp thời cũng như việc theo dõi, quản lý tài sản sau đầu tư.
Rà soát các dự án chưa thực hiện quyết toán
Để xử lý triệt để các vi phạm trong công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án khẩn trương thực hiện kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2005 đến nay chưa thực hiện quyết toán; xác định rõ nguyên nhân chậm quyết toán, những khó khăn vướng mắc cụ thể của từng trường hợp, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, báo cáo người quyết định đầu tư, Ban chỉ đạo quyết toán để khẩn trương xử lý dứt điểm; chịu trách nhiệm toàn bộ về việc quyết toán dự án hoàn thành theo quy định. Đối với các dự án hoàn thành chậm nộp báo cáo quyết toán từ 24 tháng trở lên, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải báo cáo rõ nguyên nhân dẫn đến chậm trễ, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan để cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm.
Trường hợp những dự án hoàn thành chưa được phê duyệt quyết toán nhưng chủ đầu tư, Ban quản lý dự án có thay đổi về cơ cấu tổ chức (như sáp nhập, giải thể,..) thì tổ chức, cá nhân tiếp nhận hoặc kế thừa công việc hiện nay phải chịu trách nhiệm thực hiện công tác quyết toàn dự án hoàn thành theo quy định.
Quyết toán dứt điểm trước ngày 30/6/2014
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải yêu cầu cơ quan thẩm tra quyết toán các cấp rà soát, báo cáo tình hình thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước đã hoàn thành từ năm 2005 đến nay chưa hoàn thành công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán thuộc phạm vi quản lý và có biện pháp xử lý quyết toán dứt điểm trước ngày 30/6/2014. Sau thời hạn trên, sẽ công bố công khai danh sách các chủ đầu tư, đơn vị còn dự án vi phạm quy định thời gian lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành; thực hiện nghiêm chế tài xử lý vi phạm theo quy định của pháp luât;
Các Bộ, ngành và địa phương cũng phải kiện toàn và chấn chỉnh hoạt động của bộ máy thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành trong từng cấp; rà soát, cơ cấu lại tổ chức; đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm tra quyết toán; tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu suất làm việc; bảo đảm thực hiện công tác quyết toán có chất lượng, đạt hiệu quả và đúng tiến độ.
Đồng thời, thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng, các nhà thầu trong việc chấp hành quy định về nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ quyết toán hợp đồng và quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; yêu cầu các chủ đầu tư và cơ quan quản lý đấu thầu công bố công khai danh sách và địa chỉ các nhà thầu vi phạm quy định quy định về lập hồ sơ quyết toàn hợp đồng; đồng thời, có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định.
Nhà thầu vi phạm không được tham gia đấu thầu dự án mới
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ năm 2014 trở đi, không giao dự án đầu tư mới cho chủ đầu tư, Ban quản lý dự án có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 24 tháng trở lên theo quy định về thời gian lập báo cáo quyết toán tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/2/2011 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước; không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán số vốn còn thiếu cho các dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 12 tháng trở lên; không cho phép nhà thầu đang có hợp đồng vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán hợp đồng được tham gia đấu thầu dự án mới.
Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương phải đưa nội dung thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan đơn vị của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cơ quan thẩm tra và phê duyệt quyết toán.
Thực hiện nghiêm việc xử phạt đối với chủ đầu tư, nhà thầu có hành vi vi phạm quy định về nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán công trình theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NDD-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Theo : Hà Phương/Chinhphu.vn