(kontumtv.vn) – Thủ tướng cho rằng, phát triển kinh tế biển vững chắc là thông qua phát triển nghiệp đoàn nghề cá gắn với chính sách hỗ trợ ngư dân.

Sáng 6/6 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lần thứ 4. Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và chính quyền các địa phương tập trung phát triển mạnh nghiệp đoàn nghề cá cả về số lượng và chất lượng; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và chăm lo đời sống thiết thực của người lao động; hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh… nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra trong cả năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được khá toàn diện trên các mặt của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, giai cấp công nhân và người lao động trong thời gian qua, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước. Cùng với tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và chính quyền các địa phương thực hiện cao nhất các  mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng đã đề ra trong cả năm nay.

Trước hết, hai bên tập trung phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với hơn 12.000 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong 5 tháng đầu năm nay, cũng như đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do một số người tham gia biểu tình tự phát để phản đối Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam nhưng đã có hành vi manh động, vi phạm pháp luật, đập phá tài sản của các doanh nghiệp…

Nêu rõ quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, dứt khoát không để tái diễn những vụ việc tương tự xảy ra, Thủ tướng lưu ý về phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đặc biệt là công đoàn ở cơ sở cần phải nắm chắc tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để can thiệp, bảo vệ và xử lý kịp thời các mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thủ tướng cũng đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục phát động và đẩy mạnh các phòng trào thi đua lao động sản xuất, tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia.

Tái khẳng định quan điểm Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình nhưng không để vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vi phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với quan điểm, chỉ đạo và nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhằm tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở biển Đông; đồng thời đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tích cực tham gia cùng Chính phủ và chính quyền các địa phương trong triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế biển vững chắc thông qua phát triển nghiệp đoàn nghề cá gắn với chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt, công suất lớn và tham gia đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đưa doanh nghiệp vào hoạt động tại địa bàn nông thôn…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chăm lo đời sống của người lao động: “Đời sống của công nhân, người lao động còn khó khăn. Chúng ta cũng đã giải quyết được nhiều việc nhưng chủ trương là phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ công bằng xã hội, đi liền với chăm lo cải thiện đời sống nhân dân nên phải làm tốt hơn việc chăm lo đời sống của người lao động.

Những doanh nghiệp khó khăn phải dừng hoạt động thì công đoàn phải phối hợp cùng với chính quyền địa phương tính toán các giải pháp phù hợp để sớm có việc làm trở lại. Thứ hai là nhà ở, Chính phủ đã đưa ra chủ trương nhà thu nhập thấp cho người lao động, bây giờ cố gắng phối hợp với chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng với chính sách của Chính phủ để tạo ra nhà ở giá thấp cho người lao động vì công nhân ở trọ rất khó khăn, không có điều kiện hưởng thụ văn hóa, thông tin… Đây là chương trình dài nhưng phải nỗ lực. Thứ ba là phối hợp với chính quyền địa phương và kể cả với Chính phủ để thực hiện có hiệu quả hơn bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, đây là quyền lợi của người lao động, luật pháp chúng ta ban hành rồi”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu hai bên phối hợp chăm lo đời sống thiết thực của người lao động, nhất là tiền lương, bữa ăn, điều kiện làm việc; tiếp tục đẩy mạnh phối hợp trong công tác cải cách hành chính, xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần tăng cường phối hợp trong tiến trình đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế đem lại hiệu quả cao nhất cho quốc gia, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động. Thủ tướng cũng đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tập trung xây dựng và củng cố tổ chức công đoàn mạnh hơn, nhất là công đoàn cơ sở, phát triển công đoàn tại các ban quản lý khu công nghiệp và phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng nghiệp đoàn nghề cá.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng xem xét và cho ý kiến giải quyết một số kiến nghị liên quan đến chính sách tín dụng, bảo hiểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá hiện đại để ra khơi, bám biển an toàn và hiệu quả hơn, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia…

Diễn ra trong hai ngày, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lần thứ 4 (khóa XI) tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng và các nhiệm vụ chủ yếu từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam./.

Thành Chung/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *