(kontumtv.vn) – Thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 24/8/2016 của Tỉnh ủy Kon Tum về “giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020”, trong những năm qua, huyện Ngọc Hồi đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực của nhân dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Những năm trước kia, gia đình anh Hiêng Lăng Họ ở thôn Đăk Si, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi nằm trong diện đặc biệt khó khăn của thôn. Không có vốn sản xuất nên diện tích đất rẫy gần 5.000m2 của gia đình chỉ độc canh cây mì. Năm 2012, được xã, thôn tạo điều kiện tín chấp vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng 250 cây cao su tiểu điền; đồng thời đăng ký tham gia lớp tập huấn cạo mủ cao su do huyện tổ chức. Sau đó, anh nhận khoán hơn 300 cây cao su từ Nông trường cao su Dục Nông. Năm 2019, cao su bắt đầu cho khai thác, kinh tế gia đình anh cũng dần được cải thiện. Đầu năm 2021, anh đã trả hết khoản vay cũ từ Ngân hàng chính sách xã hội và tiếp tục vay thêm vốn xây dựng căn nhà mới khang trang. Xóa được nhà tạm và có nguồn thu nhập ổn định từ cây cao su, gia đình anh đã thoát nghèo theo cả hai tiêu chí cũ và mới. Anh Hiêng Lăng Họ phấn khởi chia sẻ: “Năm 2021, tôi làm được căn nhà, tôi rất là phấn khởi. Sang năm 2022, tôi sẽ cố gắng hơn nữa để con cái có điều kiện học hành thành công.”

Qua điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2021, mức sống của gia đình chị Trần Thị Mỹ ở thôn Chiên Chiết, xã Đăk Xú vẫn nằm trong thang điểm hộ nghèo. Dẫu vậy, chị vẫn quyết định làm đơn xin rút khỏi hộ nghèo bởi sau nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo của xã, năm 2021, gia đình chị được quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí 40 triệu đồng để xóa nhà tạm. Chị Mỹ cho biết trong thời gian tới, hai vợ chồng chị sẽ cố gắng thay đổi từ làm thuê làm mướn sang chăn nuôi thêm gà, vịt, heo để cải thiện thêm cuộc sống và nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực hiện Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2020, huyện Ngọc Hồi được phân bổ gần 40 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng, triển khai các dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và xóa nhà tạm cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách … Ngoài ra, từ nguồn vốn các chương trình dự án khác, huyện Ngọc Hồi đã lồng ghép triển khai các chương trình, mô hình sinh kế hiệu quả giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Theo bà Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, qua những chương trình hỗ trợ này, trong năm 2021, trên địa bàn xã Đăk Xú giảm được 10 hộ số hộ nghèo, vượt kế hoạch đề ra.

Để công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Ngọc Hồi được thực hiện một cách có hiệu quả và bền vững, bà Trần Thị Huyện, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hồi cho biết: “Huyện sẽ tập trung triển khai các mô hình như thực hiện có hiệu quả thay đổi nếp nghĩ cách làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông, đặc biệt là để cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số có cách nghĩ, thay đổi nếp nghĩ cách làm để giảm nghèo bền vững.”

Đến cuối năm 2021, huyện Ngọc Hồi còn 466 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 3%, giảm hơn 8,5% so với năm 2016; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn gần 2,8%; gần 2.400 hộ thoát nghèo; bình quân giai đoạn 2016- 2021, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm hơn 1,4%. Những kết quả này là tiền đề quan trọng để huyện Ngọc Hồi tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân nói chung và bảo đảm ổn định cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo nói riêng. /.

CTV Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *