(kontumtv.vn) – Cá chình hoa là loài có khả năng sống ở nhiều thủy vực, nơi nguồn thức ăn dễ tìm, thịt cá dai, ngon. Hiện nay, cá chình hoa thương phẩm đang được ưa chuộng, có thể xuất bán cho nhiều thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Nhận thấy đây là con giống có thể giúp bà con nhân dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, năm 2019, huyện Ia H’Drai triển khai mô hình nuôi cá chình hoa trong lồng, bè lòng hồ thủy điện Sê San 4.

Mô hình được triển khai với gần 4.700 cá giống cho 6 hộ nuôi thử nghiệm từ tháng 5/2019. Cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, đánh giá sự thích nghi, quá trình sinh trưởng, phát triển và hướng dẫn phòng, trị bệnh, chăm sóc để cá có môi trường sinh sống tốt nhất phát triển. Người dân sử dụng nguồn cá cơm, cá trắng có sẵn trong lòng hồ làm thức ăn cho cá để giảm chi phí. Sau 26 tháng chăm sóc, cá phát triển rất tốt trung bình 1 con khoảng trên 2kg, cá biệt có con đạt hơn 3kg. Ông Hoàng Trọng Quảng, Phó Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Ia H’Drai cho biết: “Mô hình cá chình trên địa bàn hiện nay về sơ bộ hiệu quả của con cá chình rất là cao. Nhà cung ứng giống đã bao tiêu đầu ra, giá rất là cao, dao động từ 500 nghìn đến 600 nghìn đồng/kg. Huyện đã xây dựng đề án làm đề tài khoa học cấp tỉnh và sẽ triển khai trong năm 2022 và nhân rộng mô hình cá chình.”

Theo ông Đặng Văn Thuộc, chủ nhiệm Hợp tác xã Sê San, nhận thức được giá trị kinh tế của mô hình qua quá trình nuôi, các hộ gia đình trên làng cá đã mạnh dạn đầu tư, nhân rộng. Hiện nay các lồng bà con nuôi thêm cũng được 4 – 5 lồng, cũng có hộ thả được 10 – 20 ký.

Là một trong những hộ tiếp cận với chương trình, ông Nguyễn Văn Triều rất muốn đầu tư thêm số lồng nuôi để phát triển kinh tế bền vững, tuy nhiên, giá cá giống cao khoảng 55.000 đồng/con nên bản thân ông gom góp mãi mới đầu tư được 1 lồng nuôi hơn 1.000 con. Lợi nhuận kinh tế từ cá chình rất cao, nhưng đa số người dân không có khả năng kinh tế tự đầu tư, nhân rộng mô hình. Ông Nguyễn Văn Triều chia sẻ: “Cái thuận lợi là nguồn thức ăn mình đánh bắt được, có nghĩa là cá cơm với lại thả lưới được con cá trắng mình cắt cho nó ăn cũng được. Còn cái khó khăn là do con giống nó đắt quá. Cũng mong xã, huyện tạo điều kiện giúp đỡ, tài trợ bởi cá chình rất thuận lợi về kinh tế, như mình bỏ ống đó, có đồng vốn lớn để xóa đói giảm nghèo rất cao.”

Theo ước tính, 6 lồng bè với số vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng, qua thời gian 3 năm sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tỷ đồng. Với giá trị kinh tế mà loài cá này mang lại, hứa hẹn sẽ giúp người nuôi có được khoản lợi nhuận cao, có khả năng giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Kết quả thành công bước đầu của mô hình nuôi cá chình hoa trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 đã mở ra triển vọng cải thiện sinh kế cho người dân tại huyện Ia H’Drai.

CTV Thanh Xuân – Thế Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *